Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh giải pháp ngoại giao cho Triều Tiên

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố Mỹ ủng hộ giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Triều Tiên, sau khi Tổng thống Mỹ cảnh báo "thời gian đang hết dần" đối với Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh giải pháp ngoại giao cho Triều Tiên ảnh 1Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên ngày 5/5/2016. (Nguồn: 38 North/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brusells, ngày 9/11, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis​ tuyên bố Mỹ ủng hộ giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Triều Tiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo "thời gian đang hết dần" đối với Bình Nhưỡng.

Trả lời báo chí tại cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bộ trưởng Mattis cho biết đây là một nỗ lực ngoại giao có định hướng, đi cùng với sự tăng cường các biện pháp trừng phạt về kinh tế trong nỗ lực cô lập và làm suy giảm năng lực kinh tế của Triều Tiên, điều có thể đưa các bên trở lại bàn đàm phán.

Ông cũng khẳng định tất cả các biện pháp trên đều nằm trong khuôn khổ ngoại giao.

Trong chuyến thăm tới Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẩn trương hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Ông Trump tuyên bố phía Mỹ sẽ hành động nhanh chóng và hy vọng rằng, hơn ai hết, Trung Quốc cũng sẽ đưa ra các quyết định của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn trong nỗ lực giải quyết vấn đề này.

[Ba tàu sân bay Mỹ sắp tập trận chung gần Bán đảo Triều Tiên]

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Moskva đưa tin, ngày 9/11, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga Leonid Slutsky​ cho rằng cuộc tập trận Nhật Bản - Mỹ sắp diễn ra nhằm gây áp lực đối với Triều Tiên và có thể gây ra phản ứng từ phía Bình Nhưỡng.

Phát biểu với báo giới, ông Slutsky nhấn mạnh: "Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn đang rất nguy hiểm, cần phải tìm kiếm các giải pháp làm giảm bớt căng thẳng ngoại giao, chứ không phải 'lên cơ bắp'. Kịch bản vũ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên có thể gây ra thảm họa đối với toàn nhân loại."

Theo ông Slutsky, việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) tham gia tập trận chung với Mỹ là quyết định rất không đúng lúc, điều này càng củng cố mong muốn của Triều Tiên bảo vệ mình bằng bất cứ phương tiện gì bao gồm cả việc chế tạo bom hạt nhân.

Bất kỳ sự gia tăng hoạt động quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên hay ở các khu vực lân cận sẽ gây ra thêm lo lắng cho chính quyền Bình Nhưỡng.

Ông Slutsky cho rằng tình hình đang phát triển trong vòng luẩn quẩn, bởi vì cả Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục viện dẫn mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên như là nguyên nhân để nâng cao hoạt động quân sự của mình trong khu vực.

Để phá được vòng luẩn quẩn này không có con đường nào khác ngoài việc thực hiện những điều kiện mà Nga và Trung Quốc đề xuất.

Theo đó, Mỹ và các đồng minh trong khu vực phải ngừng các cuộc tập trận chung trong khi Triều Tiên phải ngừng các vụ thử tên lửa, hạt nhân.

Cuộc tập trận chung Mỹ - Nhật Bản diễn ra trong các ngày 11-14/11 tại Thái Bình Dương với sự tham gia của 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.