Mỹ sẽ triển khai thêm 500 binh sỹ tại Đức nhằm tăng cường quan hệ song phương. Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa ra ngày 13/4 trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer tại Berlin, Bộ trưởng Austin cho biết ông đã thông báo với người đồng cấp nước chủ nhà về ý định của Washington về việc triển khai lâu dài thêm gần 500 binh sỹ tại khu vực Wiesbaden của nước này. Dự kiến, kế hoạch trên sẽ được thực hiện sớm nhất vào mùa Thu này.
Theo ông Austin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dừng kế hoạch rút quân khỏi Đức của chính quyền tiền nhiệm và việc bổ sung lực lượng Mỹ tại Đức mới phản ánh tầm quan hệ đối tác song phương cũng như cam kết của Washinhton đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
[Tổng thống Mỹ cam kết linh hoạt trong kế hoạch đầu tư 2.000 tỷ USD]
Bộ trưởng Austin nhấn mạnh Đức sẽ tiếp tục là đối tác kinh tế và an ninh quan trọng đối với Mỹ trong nhiều năm tới và đây là lý do việc tăng cường quan hệ với Đức là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Biden
Cũng tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh Mỹ sẽ không để bất đồng liên quan đến dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" (Nord Stream 2) cản trở mối quan hệ "lớn" giữa Washington - Berlin. Ông Austin một lần nữa bày tỏ sự phản đối đối với dự án trên, cũng như sự ảnh hưởng của nó.
Tuyên bố trên cho thấy nỗ lực của ông Biden trong việc đảo ngược một số chính sách của người tiền nhiệm vốn ảnh hưởng đến mối quan hệ với các đồng minh, trong đó có kế hoạch rút khoảng 12.000 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Đức của cựu Tổng thống Donald Trump.
Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Mỹ đã duy trì binh sỹ đồn trú tại Đức, song số lượng binh sỹ đã giảm sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ từ mức 200.000 binh sỹ hồi năm 1990 xuống còn 34.500 vào thời điểm hiện tại.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Austrin sẽ tới thăm Bộ chỉ huy của Mỹ ở Stuttgart. Chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc diễn ra vào thời điểm Chính phủ Đức đang nỗ lực tái lập liên kết chặt chẽ với chính quyền mới ở Mỹ.
Chính phủ Đức muốn thảo luận về kế hoạch của Washington đối với sứ mệnh quân sự tại Afghanistan, do quân đội Đức đóng tại đây đang phụ thuộc vào sự bảo vệ của không quân Mỹ trong những tình huống khẩn cấp.
Cách đây vài tuần, bà Karrenbauer đã phải ra lệnh tăng cường bảo vệ khu doanh trại tại Masar-e-Scharif ở Afghanistan do lo ngại về làn sóng tấn công của Taliban nhằm vào binh sỹ nước ngoài./.