Theo RT, bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ họp tại Brussels (Bỉ) vào tuần tới để bắt đầu xem xét lại chiến lược quan hệ với Nga, vốn đã kéo dài hàng thập kỷ của khối này.
Trong một bài báo đăng trên tờ Politico ngày 11/10, mặc dù mối quan hệ giữa NATO và Nga đã chạm "đáy" sau khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, nhưng "Đạo luật sáng lập" với Moskva vẫn có hiệu lực trong liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Theo Politico, tài liệu năm 1997 nêu rõ rằng NATO và Nga chia sẻ mục tiêu chung là "xây dựng một châu Âu ổn định, hòa bình và không chia cắt," do đó không phản ánh tình hình hiện tại.
Trong hội nghị thượng đỉnh tại Washington vào tháng Bảy, NATO đã đánh giá Moskva là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các đồng minh," trong khi Moskva vẫn tiếp tục khẳng định rằng chính sách mở rộng về phía Đông của khối này là "mối nguy hiểm hiện hữu" đối với Liên bang Nga.
Politico trích lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay các nước NATO hiện đang cố gắng "vạch ra các yếu tố khác nhau của chiến lược (đối với Nga) và thúc đẩy các cuộc tranh luận bên trong liên minh đưa chúng ta đến các chủ đề như tương lai của Đạo luật sáng lập NATO-Nga."
Vị quan chức này nói thêm: "Đã đến lúc phải xây dựng một chiến lược mới về các lập trường cụ thể" của các quốc gia thành viên.
Các cuộc thảo luận cấp thấp hơn trong khuôn khổ NATO về chính sách mới đối với Nga đã diễn ra trong nhiều tháng và tuần tới, vấn đề này sẽ được giải quyết ở cấp bộ trưởng.
NATO trước đó đã thông báo rằng họ có kế hoạch xây dựng một chiến lược mới trước hội nghị thượng đỉnh tại La Haye, dự kiến được tổ chức vào mùa Hè năm sau.
Quan chức giấu tên của Mỹ mô tả chiến lược mới là một "cuộc tập trận chính trị," đồng thời nhấn mạnh những tác động quân sự của nó dự kiến sẽ "hạn chế."
Theo Politico, có những bất đồng giữa các thành viên khi đề cập đến chính sách mới đối với Moskva, vì một số nước lo ngại rằng "một tín hiệu quá hung hăng" có thể "làm mất ổn định" Liên bang Nga.
Cũng có những hoài nghi về Hungary và Slovakia, những nước thấy "giá trị chiến lược" khi hợp tác với Moskva, mặc dù là thành viên NATO.
Đầu tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko chỉ trích NATO không còn che giấu sự thật rằng liên minh này đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng với Moskva.
Ông cho biết các lựa chọn khả thi để chống lại Nga đang liên tục được đưa ra trong khối, ngân sách quân sự của các quốc gia thành viên đang được tăng cường và các nền kinh tế phương Tây đang được quân sự hóa.
Ông Grushko nhấn mạnh không phải Nga mà là NATO đã đi theo "con đường đối đầu" bằng cách từ chối tham gia đối thoại.
Vì lý do này, theo ông Grushko, khối quân sự do Mỹ đứng đầu phải chịu toàn bộ trách nhiệm về "cuộc khủng hoảng an ninh lớn của châu Âu" do cuộc xung đột Ukraine gây ra.
Trong khi đó, tại Diễn đàn "Mối quan hệ giữa thời đại và các nền văn minh - nền tảng của hòa bình và phát triển" ở Thủ đô Ashgabat (Turkmenistan) hôm 11/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quan hệ quốc tế đã bước vào kỷ nguyên của những thay đổi cơ bản, với một trật tự thế giới mới đang hình thành.
Ông Putin nhấn mạnh tình hình hiện tại đòi hỏi sự hiểu biết và khôn ngoan khi thế giới đối mặt với những mối đe dọa chưa từng có do xung đột văn minh, sắc tộc và tôn giáo.
Ông lưu ý đến sự xuất hiện của các trung tâm tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tài chính và chính trị mới, chủ yếu ở Đông và Nam bán cầu.
Tổng thống Nga khẳng định nước này ủng hộ "một cuộc thảo luận rộng rãi về các thông số tương tác trong thế giới đa cực đang hình thành."
Dự kiến các đối tác và nước cùng chí hướng với Nga sẽ tham gia thảo luận, bao gồm trong các khuôn khổ CIS, EAEU, SCO và BRICS.
Ông Putin cho biết Moskva đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp diễn ra ở Kazan cuối tháng này./.
Nga cảnh báo hậu quả từ 'trò chơi' của Tổ chức NATO
Quyền trưởng phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán ở Vienna cảnh báo "trò chơi" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và dẫn đến thảm họa.