NATO lên kế hoạch thành lập thêm hàng chục lữ đoàn "sẵn sàng tác chiến"

Viện dẫn mối đe dọa được cho là từ Nga, NATO đang lên kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự với dự định thành lập thêm 49 lữ đoàn sẵn sàng tác chiến, trong đó mỗi lữ đoàn có khoảng 5.000 quân.

Binh sỹ tham gia cuộc tập trận của NATO tại Korzeniewo, miền Bắc Ba Lan, ngày 4/3/2024. (Ảnh: PAP/TTXVN)
Binh sỹ tham gia cuộc tập trận của NATO tại Korzeniewo, miền Bắc Ba Lan, ngày 4/3/2024. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Theo Sputniknews, ngày 5/10, kênh tin tức Welt ở Đức dẫn các tài liệu chưa công bố của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết tổ chức này đang lên kế hoạch thành lập thêm 49 lữ đoàn sẵn sàng tác chiến, trong đó mỗi lữ đoàn có khoảng 5.000 quân, nâng tổng số lữ đoàn của NATO lên con số 131.

Theo "Yêu cầu năng lực tối thiểu" do Tư lệnh các lực lượng đồng minh NATO ở châu Âu, Tướng Christopher Cavoli, và Đô đốc Pháp Pierre Vandier đệ trình, số lượng quân đoàn tác chiến sẽ tăng từ sáu lên 15, và số trụ sở chỉ huy sẽ tăng từ 24 lên 38 để quản lý và hỗ trợ các lữ đoàn bổ sung.

NATO cũng dự định tăng cường sức mạnh của các đơn vị phòng không trên bộ lên gấp năm lần, tương đương 1.467 đơn vị. Việc tăng cường sức mạnh quân sự này được cho là cần thiết, viện dẫn mối đe dọa được cho là từ Nga.

Michael Rossi, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Rutgers, cho rằng tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte có thể tiếp tục đi theo con đường giống như những người tiền nhiệm đó là dẫn dắt quá trình chuyển đổi đang diễn ra của liên minh này từ một tổ chức an ninh thành một khối quân sự.

Ông Rutte, cựu Thủ tướng Hà Lan, đã kế nhiệm chính khách người Na Uy trở thành người đứng đầu NATO từ hôm 1/10. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Rutte đã hứa sẽ tăng cường khả năng sẵn sàng của liên minh trước những thách thức trong tương lai, tăng chi tiêu và thúc đẩy đổi mới.

Theo chuyên gia Rossi, việc bổ nhiệm ông Rutte rất có thể sẽ giữ cho các chính sách đối ngoại và mục tiêu hiện nay của NATO được nhất quán với những người tiền nhiệm Stoltenberg và Anders Fogh Rasmussen.

Ông Rutte có vẻ phù hợp với việc tiếp tục chương trình nghị sự của tổ chức này từ thời ông Stoltenberg trong việc biến đổi NATO từ một liên minh phòng thủ tập thể thành một khối quân sự khu vực.

Theo ông Rossi, các đặc điểm của chương trình nghị sự này bao gồm quan điểm coi Nga, Trung Quốc và Iran là "thủ phạm gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh," cũng như cam kết liên tục về hỗ trợ Ukraine gia nhập liên minh này trong tương lai trong khi đang tham gia vào "một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga."

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng việc NATO mở rộng và kết nạp Ukraine sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia trực tiếp đối với Nga và Moskva coi tình trạng không liên kết của Ukraine là điều kiện then chốt để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm.

Kế hoạch của Kiev gia nhập NATO là một trong những lý do khiến Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.

Hồi tháng trước, Tổng thống Putin đã quyết định tăng quân số lực lượng vũ trang Nga lên hơn 2,3 triệu người, bao gồm 1,5 triệu quân nhân.

Bình luận về quyết định tăng quy mô quân đội Nga của Tổng thống Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: "Điều này là do số lượng các mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước chúng ta dọc theo các biên giới.

Điều này là do tình hình cực kỳ thù địch ở biên giới phía Tây và tình hình bất ổn ở biên giới phía Đông, vì vậy cần có các biện pháp thích hợp."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.