Bộ trưởng Y tế: Quyết giữ bằng được 'mặt trận' chống dịch tại TP.HCM

Tính đến ngày 19/7, Việt Nam đã có tổng cộng 53.785 ca ghi nhận trong nước và 2.060 ca nhập cảnh. Tổng số ca được điều trị khỏi là 10.667 ca và số ca tử vong là 254 ca.
Hà Nội khẩn trương rà soát các trường hợp liên quan đến ca dương tính với SARS-CoV-2. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này xảy ra tại Việt Nam với quy mô lớn và ngày càng khó lường khi xảy ra trên diện rộng tại hơn 50 tỉnh, thành phố.

Ngày 18/7 - đánh dấu mốc mới khi Việt Nam ghi nhận vượt ngưỡng 50.000 trường hợp mắc COVID-19 trên toàn quốc. Đây cũng là ngày có số bệnh nhân cao kỷ lục nhất với 5.926 ca.

Những dấu mốc ngày càng ngắn lại

Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại nhiều khu vực đã xuất hiện các biến chủng mới được cảnh báo nguy hiểm hơn, nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay Việt Nam ghi nhận có tổng cộng: 53.830 ca mắc COVID-19, trong đó: 51.771 ca ghi nhận trong nước và 2.059 ca nhập cảnh, có 254 ca tử vong.

[Thủ tướng yêu cầu các địa phương thống kê nhân lực y tế phòng dịch]

Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 50.201 ca, trong đó có 7.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Đáng lưu ý, trong đợt dịch lần thứ 4 này, khoảng thời gian Việt Nam ghi nhận thêm 10.000 ca bệnh mắc mới ngày càng ngắn lại.

Trước đó, vào ngày 12/6, Việt Nam đã cán mốc hơn 10.000 trường hợp mắc bệnh COVID-19 sau một năm rưỡi chiến đấu với “giặc” COVID-19.

Gần 1 tháng tiếp theo đó, vào ngày 5/7 - đánh dấu mốc mới khi Việt Nam vượt ngưỡng 20.000 trường hợp mắc COVID-19, với 20.261 ca.

Chỉ 1 tuần sau đó, vào ngày 12/7, Việt Nam đã ghi nhận thêm hơn 10.000 ca bệnh, với tổng số là 32.119 ca mắc COVID-19.

Và chỉ trong vòng 1 tuần (từ 12-18/7/2021), Việt Nam đã ghi nhận thêm hơn 20.000 trường hợp mắc mới COVID-19.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, đợt dịch này với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, đã được ghi nhận tại 58/63 tỉnh, thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam đang có diễn biến phức tạp với số mắc liên tục gia tăng do dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng, với các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa xác định được nguồn lây, nhiều người đã di chuyển đi/đến Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian trước đó, có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Đợt dịch này, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đang chuẩn bị cho "kịch bản xấu và xấu hơn.”

Ban Chỉ đạo nhận định ở miền Bắc, đến giờ phút này cơ bản dập được dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Các tỉnh, thành phố khác đang kiểm soát được tình hình. Khu vực miền Trung còn một vài tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng... tình hình dịch COVID-19 đang phức tạp, có những ổ dịch mới, phải tập trung lực lượng để khoanh vùng, dập dứt điểm. Nhận định chung tình hình dịch cơ bản vẫn kiểm soát được trên cả nước.

Triển khai 2 mũi giáp công chủ lực

Hiện nay, tình hình dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận, nhất là ở Bình Dương vẫn diễn biến rất phức tạp, nếu không tập trung kiểm soát thật tốt có thể dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải. Nguy cơ hiện hữu là dịch từ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lây lan rộng ra các tỉnh khác. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg với 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Lực lượng hóa học Quân khu 7 phun khử trùng các khu chế xuất, khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc (từ tỉnh Phú Yên trở ra) số ca mắc mới trong tuần hầu hết giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh bùng phát là hiện hữu do người trở về địa phương có lịch sử đi lại, trở về từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, cần thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, theo dõi và khai báo y tế.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần phân loại trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg thành 2 nhóm. Những tỉnh tương đối an toàn, dịch còn ít (khu vực Nam sông Hậu và Bình Phước) tiếp tục thực hiện theo chiến lược "Ngăn chặn-Phát hiện-Truy vết-Khoanh vùng-Dập dịch và Điều trị," giống như các địa phương đang kiểm soát được dịch.

Bên cạnh đó, những địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và những khu vực dịch lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng thì cần có những giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp với “2 mũi giáp công.”

Một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ,” có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao để nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước làm sạch, thu hẹp ổ dịch, giảm xuống “vùng vàng” dần tiến tới “vùng xanh.” Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.

Chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố để chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn.”

Thành phố Hồ Chí Minh - hiện nay là “điểm nóng” nhất và một số địa phương phía Nam số ca mắc COVID-19 liên tục gia tăng.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 30.000 trường hợp mắc COVID-19, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua khoảng 1.500 ca/ngày và có xu hướng gia tăng liên tục qua từng ngày.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 72 chuỗi lây nhiễm/ổ dịch trên địa bàn tỉnh, trong đó, có 45 chuỗi/ổ dịch ổn định và 27 ổ dịch đang diễn biến (6 chợ, 11 khu dân cư, 10 công ty, khu công nghiệp), trong đó phát hiện thêm 1 chuỗi lây nhiễm mới tại chợ Cầu Muối quận 1 có liên quan đến chợ đầu mối Thủ Đức, phát hiện từ hoạt động tầm soát cộng đồng.

Hiện tại, số ca mắc tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn vượt 2.000 ca/ngày, số F0 triệu chứng trở nặng phải thở oxy, thở máy cũng tăng lên. Đây là gánh nặng rất lớn trong thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong đó các ca trở nặng phải chuyển lên bệnh viện tuyến 2, một số trường hợp nặng chuyển lên tuyến 3, tuyến 4. Do đó cần phải tăng cường các nguồn lực về thu dung bệnh nhân, điều trị cũng như chuẩn bị các trang thiết bị đầy đủ.

Tiếp theo sau Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh ghi nhận thêm ca mắc mới cao như: Tỉnh Bình Dương ghi nhận 2.644 ca mắc; Long An, ghi nhận 786 ca mắc; Đồng Nai ghi nhận 829 trường hợp mắc; Đồng Tháp, ghi nhận 1.320 ca mắc; Khánh Hòa, ghi nhận 498; Tiền Giang, ghi nhận 762 ca mắc.

Quyết giữ cho bằng được mặt trận này

Trong công cuộc chống lại đại dịch COVID-19 lần này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay ngành y tế đang chuẩn bị tích cực, ưu tiên giảm số ca bệnh nặng, hạn chế tử vong, đặc biệt đối với các ca mắc có bệnh nền, bệnh mãn tính.

Liên quan đến dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã trao đổi với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Bệnh viện Hồi sức tích cực COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2) có công suất 1.000 giường, với cơ chế điều hành của bệnh viện Trung ương hạng đặc biệt. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được chỉ định sang làm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức tích cực COVID-19.

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 để điều trị các ca bệnh nặng, với quy mô 1.000 giường ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Bộ Y tế ưu tiên tối đa trang thiết bị vật tư, y tế, những nhân lực tinh túy nhất để đưa về bệnh viện này, tối ưu hóa điều trị các trường hợp thở máy trên toàn thành phố, quyết giữ cho bằng được mặt trận này,” Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Để chống dịch chủ động trên diện rộng, Bộ Y tế cũng chỉ đạo, tất cả các bệnh viện hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) buộc phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm, chuẩn bị các giường hồi sức. Các bệnh viện tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị. Ngoài ra Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực Trung ương tại các khu vực.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở oxy cao áp (HFNC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc thận chậm…

Ngoài nguồn ngân sách, Bộ Y tế đang tích cực huy động, kêu gọi sự đóng góp, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… Lãnh đạo Bộ Y tế cam kết không để đội ngũ y, bác sĩ thiếu các đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục