Bộ Tư pháp cho phép thụ lý các cáo buộc "bất thường" trong bầu cử Mỹ

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr đã ủy quyền cho các công tố viên liên bang tiến hành điều tra về những bất thường trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Bộ Tư pháp cho phép thụ lý các cáo buộc "bất thường" trong bầu cử Mỹ ảnh 1Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ qua đường bưu điện tại điểm bỏ phiếu ở hạt Chester, bang Pennsylvania. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 10/11 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đã ủy quyền cho các công tố viên liên bang tiến hành điều tra về những bất thường trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump cho rằng có các hành vi gian lận và êkíp tranh cử của ông đã đệ đơn kiện một số bang.

Trong thư gửi các công tố viên liên bang, Bộ trưởng Barr cho biết do hoạt động bỏ phiếu hiện đã kết thúc, ông cho phép các công tố viên liên bang theo đuổi các cáo buộc xác đáng về những bất thường trong việc bỏ phiếu và lập bảng biểu bỏ phiếu trước khi đưa ra xác nhận về bầu cử theo thẩm quyền cho phép đối với những trường hợp nhất định.

Bộ trưởng Barr nhấn mạnh các cuộc điều tra và việc rà soát có thể được tiến hành trong trường hợp có những cáo buộc rõ ràng và đáng tin cậy về những bất thường, và nếu điều này đúng, có thể tác động tới kết quả bầu cử liên bang tại một bang riêng lẻ.

[Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ cam kết điều tra sai phạm bầu cử]

Các cuộc điều tra về gian lận bầu cử thông thường là do các bang tự tiến hành theo luật bầu cử riêng của những bang này.

Thông thường, chính sách của Bộ Tư pháp là không can thiệp vào các cuộc điều tra của chính quyền các bang cho đến khi kết quả kiểm phiếu được xác nhận, tiến trình kiểm lại phiếu và các cuộc bầu cử được hoàn tất.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Barr, nếu nhận thấy bất kỳ điều gì có thể đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, các công tố viên nên theo đuổi và điều tra. 

Quyết định của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đưa ra trong bối cảnh đương kim Tổng thống Trump đang thúc đẩy nỗ lực pháp lý nhằm đảo ngược chiến thắng sít sao của ông Joe Biden tại một số bang chiến địa gồm Pennsylvania, Nevada, Georgia và Arizona, giúp vị chính khách đảng Dân chủ này có đủ 270 phiếu đại cử tri để chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.

Trước đó cùng ngày, êkíp vận động tranh cử của Tổng thống Trump đã chính thức đệ đơn kiện lên một tòa án liên bang tại bang Pennsylvania, cho rằng hệ thống bầu cử qua đường bưu điện của bang này "thiếu mọi tiêu chuẩn xác nhận về sự minh bạch và có thể xác minh, vốn có sẵn cho các cử tri bỏ phiếu trực tiếp."

Đội ngũ vận động tranh của của Tổng thống Trump cũng kiện đích danh người đứng đầu ngành ngoại giao của bang Pennsylvania, bà Kathy Boockvar, và hội đồng bầu cử các hạt có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ, trong đó có Philadelphia và Pittsburgh.

Trong khi đó, một thành viên nhóm chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden -người mà truyền thông Mỹ đưa tin đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - cho biết nhóm này đã kêu gọi Cục Dịch vụ Công Mỹ (GSA) phải công nhận ông Biden thắng cử để khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực.

GSA thường công nhận một ứng cử viên tổng thống khi nắm rõ ai là người chiến thắng, qua đó có thể khởi động tiến trình chuyển giao. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra trong năm nay dù truyền thông Mỹ đều đưa tin ông Biden đã giành chiến thắng sau khi ông có đủ 270 phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.

Theo quan chức trên, chiến thắng của ông Biden là rõ ràng và việc GSA trì hoãn công nhận kết quả này là không chính đáng. Do vậy, êkíp chuyển giao quyền lực của ông Biden đang cân nhắc hành động pháp lý.

Trong khi đó, một người phát ngôn cho biết người đứng đầu GSA Emily Murphy chưa xác định người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 3/11 vừa qua.

Trước đó, ngày 7/11 (giờ Mỹ), 4 ngày sau ngày bầu cử chính thức 3/11, các hãng truyền thông lớn tại Mỹ đồng loạt đưa tin kết quả kiểm phiếu mới nhất tại bang Pennsylvania nghiêng về ứng cử viên của đảng Dân chủ, qua đó ông Biden giành được tổng cộng 273 phiếu đại cử tri, vượt mức 270 phiếu cần thiết trong tổng số 538 phiếu để đắc cử Tổng thống Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.