Những ngày gần đây, trước việc một số cựu quan chức tham nhũng được đưa ra xét xử và được xem xét giảm mức án tù khi đã ăn năn hối cải, khắc phục tối đa thiệt hại do tham nhũng, không ít đối tượng không có thiện chí đã cố tình rêu rao rằng Việt Nam “ưu ái” các quan chức, “đơn giản hóa” việc xét xử các vụ án tham nhũng, luật pháp thiếu nghiêm minh. Nhưng đó chỉ là sự suy diễn, quy chụp hoàn toàn không có cơ sở.
Căn cứ pháp luật, không dựa vào cảm tính
Ngày 22/6/2022, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định giảm án 3 năm, từ 8 xuống 5 năm tù, đối với ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tại vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C.
Trước đó một ngày, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao đã đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho ông Chung vì bị cáo đồng ý và tác động người thân nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án. Bên cạnh đó, bị cáo từng có nhiều đóng góp, được tặng nhiều huân chương, huy chương…
Một số đối tượng thiếu thiện chí liền rêu rao rằng luật pháp Việt Nam đã “bị nắn” vì lợi ích. Họ quên mất rằng rất lâu trước thời điểm 22/6/2022 thì Điều 51 thuộc Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định rất cụ thể những tình tiết giảm nhẹ trong các vụ án hình sự.
Tình tiết giảm nhẹ trong vụ án hình sự là “tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể giảm đi, là một trong những căn cứ quan trọng để tòa án quyết định hình phạt cụ thể đối với người phạm tội."
Trong số 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có việc “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả."
Ngoài những tình tiết giảm nhẹ được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 51 của Bộ luật Hình sự, pháp luật cũng quy định theo hướng mở về vấn đề này. Theo hướng dẫn của Công văn 212/TANDTC-PC 2019 và Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP của Tòa án Nhân dân Tối cao, trong số các tình tiết giảm nhẹ “mở rộng” có việc gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay bị cáo; bị cáo tự nguyện giao nộp ít nhất 1/2 số tiền thu lợi bất chính hoặc tiền phạt bổ sung theo bản án, quyết định của tòa án; người phạm tội có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải.
Trở lại với trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung. Từ năm 2016 đến năm 2019, theo chỉ đạo và được ông Chung (đang là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) tạo điều kiện, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Arktic (do vợ ông Chung thành lập) đã nhập khẩu hơn 489.000kg chế phẩm Redoxy-3C từ Cộng hòa Liên bang Đức với chi phí hơn 115 tỷ đồng.
Arktic bán lại cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội với giá hơn 151 tỷ đồng. Hành vi mua bán lòng vòng của hai công ty khiến Hà Nội thiệt hại 36,1 tỷ đồng.
Từ ngày 10 đến ngày 13/12/2021, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 8 năm tù, Nguyễn Trường Giang (cựu Giám đốc Công ty Arktic) 4 năm 6 tháng tù và Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) 4 năm tù, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."
Về trách nhiệm dân sự, tòa án tuyên buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường hơn 36 tỷ đồng cho nguyên đơn dân sự là Công ty Thoát nước Hà Nội, trong đó Nguyễn Đức Chung phải bồi thường 25 tỷ đồng (61%), Võ Tiến Hùng phải bồi thường 4 tỷ đồng và Nguyễn Trường Giang phải bồi thường hơn 7 tỷ đồng.
Trong quá trình ông Nguyễn Đức Chung bị xét xử, chị gái của bị cáo đã nộp thay 10 tỷ đồng, tiếp đó người vợ nộp 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Như vậy, người thân ông Chung đã nộp đủ số tiền mà bị cáo phải bồi thường cho phía bị hại là Công ty Thoát nước Hà Nội, đủ điều kiện để bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Không chỉ ông Chung mà các bị cáo khác trong vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tại vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C cũng được hưởng tình tiết giảm nhẹ vì đã nộp đủ tiền khắc phục hậu quả thiệt hại do họ gây ra. Tòa phúc thẩm đã giảm một năm 6 tháng tù cho ông Nguyễn Trường Giang (còn 3 năm tù) và ông Võ Tiến Hùng (còn 30 tháng tù).
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không phải chỉ được áp dụng trong vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tại vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C. Trước đó, nhiều bị cáo khác cũng được giảm án khi đã khắc phục hậu quả thiệt hại do mình gây ra.
Đầu tháng 11/2021, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh bị đưa ra xét xử về tội Nhận hối lộ theo khoản 4, Điều 354 của Bộ luật Hình sự năm 2015, có mức hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Trong quá trình tố tụng, bị cáo Linh đã thừa nhận hành vi nhận hối lộ từ Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm"), đồng thời tác động gia đình nộp đủ số tiền 5 tỷ đồng nhận hối lộ. Vì thế, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 14 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Trong phiên sơ thẩm cuối năm 2019, bị cáo Nguyễn Bắc Son (nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bị đề nghị mức án tử hình về tội nhận hối lộ trong vụ mua bán cổ phần tại AVG. Trước ngày tòa tuyên án, gia đình ông Son nộp đủ 3 triệu USD mà bị cáo đã nhận hối lộ. Xét tình tiết giảm nhẹ này, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo nhận án chung thân.
Tương tự, sau khi nộp 37 tỷ đồng khắc phục hậu quả, đúng bằng 3/4 số tiền 49 tỷ đồng gây thiệt hại, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) Nguyễn Xuân Sơn đã được Tòa phúc thẩm kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân.
Cốt lõi của vấn đề
Tuy nhiên, tình tiết khắc phục hậu quả không phải là phép tính cộng (nộp tiền) và phép trừ (giảm án) đơn giản mà mang tính nhân văn, giáo dục và răn đe cao, là sự phân loại bị cáo theo mức độ thành khẩn, hối cải để những người khác nhìn vào mà rút ra bài học cho bản thân.
Cốt lõi của vấn đề là sự tự nguyện, là việc nhận thức ra lỗi lầm từ phía bị cáo và mong muốn “lập công chuộc tội," trong một số trường hợp là pháp luật tạo điều kiện để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, sống có ích cho xã hội.
Nếu ông Nguyễn Đức Chung vẫn khăng khăng chối tội như ban đầu, số tiền khắc phục hậu quả chỉ là ý nguyện của gia đình hay từ sự cưỡng chế cuả cơ quan chức năng thì bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, về sau bị cáo Chung đã nhận tội, thừa nhận trách nhiệm của mình trước vụ việc, đồng ý để người chị nộp thay 10 tỷ đồng, tác động để người vợ nộp thêm 15 tỷ đồng bồi thường.
Nhận xét về chi tiết này, luật sư, tiến sỹ Đặng Văn Cường nêu rõ không phải khắc phục hết mọi hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ mà có thể người phạm tội chỉ khắc phục được một hoặc một số hậu quả cũng có thể coi là tình tiết giảm nhẹ, khắc phục càng nhiều thì được xem xét giảm nhẹ càng nhiều.
Như trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung, nếu gia đình ông tự nguyện khắc phục hết hậu quả thay nhưng ông này vẫn không nhận tội, một mực kêu oan, không nhận thức được sai lầm của mình thì việc khắc phục hậu quả sẽ không được coi là tình tiết giảm nhẹ, và có thể ông này sẽ không được giảm án.
Như vậy, các tình tiết giảm nhẹ, trong đó có việc tự nguyện khắc phục hậu quả bằng tài chính, được quy định rõ ràng trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và không những không làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật mà còn thể hiện tính chất nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước Việt Nam./.