Theo trang mạng news.cgtn.com, giống như những ngày lễ kỷ niệm tương tự trên toàn cầu, Ngày Quốc khánh Mỹ cũng mang ý nghĩa của niềm hân hoan chiến thắng trước sự cai trị của thế lực bên ngoài.
Tuy nhiên, những hỗn loạn chưa từng có trong năm nay cho thấy những hoạt động kỷ niệm có thể gây khó chịu khi mà hàng triệu người dân Mỹ đang mắc kẹt ở các sân bay trên khắp đất nước, qua đó biểu thị những thách thức khó khăn mà người dân đang phải đối mặt.
Theo truyền thông tại quốc gia này, những hỗn loạn trong các hoạt động di chuyển do tình hình thời tiết xấu, thiếu nhân sự và vòng xoáy lạm phát đã tạo ra một cơn bão hoàn hảo.
Thật vậy, những thách thức trên là biểu hiện của những gì đang gây phiền não cho siêu cường ngày nay.
Hơn nữa, sự hỗn loạn trong các hoạt động di chuyển cũng thể hiện cho tốc độ tiến triển của đất nước Mỹ ngày nay: tiến hai bước, lùi một bước.
[Bạo lực súng đạn gia tăng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ]
Có vẻ như Mỹ đã dần thu lại lời hứa trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của mình. Cường quốc này cũng đang mất dần vị thế quan trọng từ trước đến nay là một đầu tàu kinh tế-xã hội và chính trị của thế giới do nỗ lực theo đuổi những mưu đồ bá quyền điên cuồng của mình.
Những bài rao giảng cao quý của Mỹ ngày càng thiếu tính thuyết phục do xuất hiện những mâu thuẫn giữa các tuyên bố và hành động của chính họ. Các quốc gia ngưỡng mộ Mỹ đang thay đổi hệ tư tưởng và lòng trung thành của họ để chuyển sang những niềm tin đích thực hơn.
Những thách thức ngày càng gia tăng nói trên giải thích lý do tại sao câu thần chú trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của cựu Tổng thống Donald Trump - “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (hay còn lại là MAGA) - đã gây được tiếng vang với hàng triệu người Mỹ và đưa ông đến Nhà Trắng bất chấp mọi rào cản.
Thế nhưng, MAGA hay các phiên bản tương tự của nó cũng từng được các ứng cử viên tổng thống Mỹ khác sử dụng, sớm nhất là slogan "Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" mà Ronald Reagan đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống thành công của ông vào năm 1980.
Ngay cả khi không tính tới các vấn đề liên quan bầu cử, MAGA cũng giống như một lời kêu gọi tập hợp trên khắp đất nước. Sẽ không ngạc nhiên nếu người Mỹ bầu lại ông Trump làm tổng thống tiếp theo vào năm 2024 để thể hiện thái độ phản đối hiện trạng.
Thứ nhất, tỷ lệ tử vong vì bạo lực súng đạn tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong thế giới của các nước phát triển. Đáng buồn là các chức năng của cảnh sát tại Mỹ lại bị hạn chế với hàng loạt rào cản về pháp lý và hành chính.
Nỗi thất vọng về sự áp đặt thực thi pháp luật tại quốc gia này được thuật lại một cách khéo léo trong một bài báo được đăng bởi tờ New York Post vào ngày 2/7 với nội dung: "Một cựu chiến binh có huân chương lao động 20 năm tại Sở Cảnh sát Thành phố New York (NYPD) đã ăn mừng Ngày Độc lập hơi sớm bằng cách nghỉ hưu và gửi lời chào sở cảnh sát của ông bằng cách giơ ngón tay giữa (thể hiện sự tức giận và coi thường).”
Sỹ quan cảnh sát này nói về thái độ chống đối ngày càng gia tăng đối với cảnh sát, kêu gọi không cấp tiền cho NYPD nữa.
Thứ hai, tình hình thời tiết tại Mỹ trong vài năm trở lại đây không mấy tích cực. Đất nước đã bị tàn phá bởi những hiện tượng thời tiết cực đoan mới.
Ngoài các vụ hỏa hoạn xảy ra hàng năm ở bang California, đất nước gần đây cũng phải hứng chịu những hiện tượng thời tiết nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng lũ lụt liên quan đến biến đổi khí hậu.
Theo một báo cáo do Cơ quan Khí tượng và Đại dương Quốc gia (NOAA) đưa ra hồi tháng 1/2022, khoảng 700 người Mỹ đã thiệt mạng vì các hiện tượng thời tiết cực đoan và tàn phá trong năm 2021.
NOAA cũng lưu ý rằng tình trạng thời tiết ngày càng xấu đi đã gây thiệt hại lên tới 145 tỷ USD.
Nhiệt độ tăng cao tại Mỹ cũng góp phần làm mực nước giảm xuống, khiến năng suất nông nghiệp suy giảm và sự nóng lên này cũng ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Bất chấp tình trạng ngập lụt và bão lũ xảy ra thường xuyên, Tòa án tối cao Mỹ vẫn cảm thấy việc hạn chế quyền quản lý của Cơ quan Bảo vệ Môi trường là phù hợp.
Thứ ba, Mỹ đang quay cuồng với nạn phân biệt chủng tộc. Điều này được thể hiện qua những cuộc xung đột liên tục và gây chết chóc giữa các sỹ quan cảnh sát da trắng và người Mỹ gốc Phi.
Đỉnh điểm của làn sóng này là vụ George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết hồi tháng 5/2020 - vụ việc đã kích động sự phản đối kịch liệt không chỉ trong nước mà cả quốc tế chống lại sự tàn bạo của cảnh sát đối với người da đen ở Mỹ...
Nó cũng dẫn đến sự hồi sinh của phong trào Black Lives Matter nhằm phơi bày nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử và bất bình đẳng mà người da đen phải trải qua.
Các số liệu từ cơ quan thống kê Statista cho thấy trong năm 2021, có tới 1.055 vụ cảnh sát xả súng gây chết người và năm 2020 là 1.021 vụ.
Số lượng người Mỹ da đen bị thương vọng cao hơn gấp nhiều lần so với các sắc tộc khác - khoảng 39 vụ xả súng trên mỗi một triệu người dân tính đến tháng 6/2022. Đây là một cuộc chiến khắc nghiệt trên các đường phố - thành phố Akron đã hủy các hoạt động mừng kỷ niệm ngày 4/7 sau khi cảnh sát Ohio bị cho là đã bắn hơn 90 phát đạn vào Jayland Walker, 25 tuổi, trong một vụ rượt đuổi trên đường phố hôm 27/6.
Thứ tư, Mỹ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng về đạo đức. Điều này được thể hiện một cách rõ rệt qua quyết định mới đây của Tòa án Tối cao Mỹ nhằm lật lại quy định Roe v. Wade năm 1973, từng cho phép phụ nữ được toàn quyền phá thai.
Các cuộc tranh luận kéo dài trong nhiều năm qua vẫn chưa thể hóa giải được những bất đồng về y tế, đạo đức, xã hội và tôn giáo xung quanh vấn đề này.
Mỹ phải tìm hiểu lại định hướng đạo đức của mình để tránh tự hủy hoại bản thân. Sẽ là không quá muộn để học lại và áp dụng các phẩm chất về lòng trắc ẩn, đó mới thực sự là những giá trị đã làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ./.