Ngày 4/12, chính phủ Brazil cho biết nước này có nguy cơ mất quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc nếu không thanh toán khoản nợ 415,8 triệu USD đóng góp hàng năm theo quy định đối với từng thành viên của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này.
Thứ trưởng Bộ Kinh tế Brazil phụ trách quan hệ quốc tế Erivaldo Gomes cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử Brazil có nguy cơ cao bị tước quyền bỏ phiếu tại Liên hợp quốc kể từ ngày 1/1/2020.
Trong khoản nợ đóng góp trên có 143 triệu USD là của năm 2019. Brazil là nước nợ Liên hợp quốc lớn thứ hai sau Mỹ.
Chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro cần trả ít nhất 126,6 triệu USD trước cuối năm nay để tránh việc mất quyền này.
[Liên Hợp Quốc sắp lâm vào tình trạng cạn sạch tiền mặt]
Theo thống kê, tính đến tháng 10/2019, tổng khoản nợ đóng góp ngân sách hàng năm của các nước cho Liên hợp quốcđã lên tới hơn 1,38 tỷ USD, trong đó 860 triệu USD nằm trong gói ngân sách năm 2019.
Mỹ, Brazil, Argentina, Mexico, Iran, Israel và Venezuela chiếm 97% tổng số nợ. Trong khi đó, khoản còn lại thuộc 58 nước.
Hiện nay, Comoros, Sao Tome và Principe, Somalia là những quốc gia nghèo, bị chiến tranh tàn phá, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Liên hợp quốc, song hồi tháng 10, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này đã quyết định cho phép 4 nước này tiếp tục được bỏ phiếu.
Theo Hiến chương Liên hợp quốc, các quốc gia nợ tổ chức này một số tiền tương đương hoặc vượt quá mức đóng góp của 2 năm có thể bị mất quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng.
Tuy nhiên, Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 nước có thể cho phép ngoại lệ, bỏ qua nếu quốc gia nợ chỉ ra được nguyên nhân khách quan khiến họ không thể trả.
Các khoản tiền đóng góp được dành cho hoạt động chính trị, nhân đạo, giải giáp vũ khí, kinh tế, công tác xã hội và liên lạc./.