Brazil dự kiến xuất khẩu vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga

Việc sản xuất vaccine Sputnik V ở Brazil đã bắt đầu và vaccine này sẽ không chỉ được sử dụng ở Brazil mà còn được xuất khẩu sang các nước Mỹ Latinh.
Brazil dự kiến xuất khẩu vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga ảnh 1Vaccine Sputnik V phòng COVID-19 của Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 5/6, Đại sứ Brazil tại Liên bang Nga, ông Tovar da Silva Nunes cho biết nước này dự kiến sản xuất ít nhất 8 triệu liều vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga trên lãnh thổ của mình mỗi tháng.

Ông Nunes lưu ý rằng việc sản xuất vaccine ở Brazil đã bắt đầu và vaccine sẽ không chỉ được sử dụng ở Brazil mà còn được xuất khẩu sang các nước Mỹ Latinh.

Ông Nunes nói: "Ngay sau khi việc sản xuất bắt đầu vào tháng 6 và tháng 7, chúng tôi sẽ điều chế ít nhất 8 triệu liều mỗi tháng."

[Serbia và Argentina bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V của Nga]

Trước đó, cuối tháng 4/2021, các chuyên gia Bộ Khoa học, Công nghệ, Đổi mới và Truyền thông Brazil đã công nhận mức độ an toàn của Sputnik V và đã phê duyệt việc sản xuất thương mại vaccine này tại Brazil.

Qua đó, Cơ quan quản lý dược phẩm Brazil Anvisa đã chấp thuận cho phép nhập khẩu hạn chế vaccine Sputnik V của Nga.

Sau đó, vào ngày 20/5, lô Sputnik V đầu tiên đã được sản xuất tại Brazil.

Hôm 4/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Argentina, Alberto Fernandez đã tổ chức hội nghị trực tuyến khởi động việc sản xuất Sputnik V tại Argentina.

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF 2021).

Cùng ngày, Tổng thống Putin cùng người đồng cấp Serbia, Aleksandr Vucic đã khởi động việc sản xuất Sputnik V tại Serbia.

Ông Vucic cảm ơn Nga vì sự kiện khởi động sản xuất vaccine ngừa virus corona ở nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.