Ngày 10/6, Chính phủ Brazil khẳng định nguy cơ lây nhiễm virus Zika trong thời gian diễn ra Olympic và Paralympic 2016 tại nước này là "không đáng kể."
Cơ sở cho sự tin tưởng này là trong 3 tháng từ tháng Hai đến tháng Năm vừa qua, số ca nhiễm Zika tại Brazil đã giảm tới 87%.
Phát biểu trong cuộc họp báo với truyền thông quốc tế tại thành phố Rio de Janeiro, Bộ trưởng Y tế Brazil Ricardo Barros cho biết vào nửa cuối tháng Hai năm nay, số ca mắc Zika đã tăng lên rất cao với 16.059 trường hợp. Tuy nhiên, đến đầu tháng Năm, con số này đã giảm xuống còn 2.053 trường hợp.
Theo Bộ trưởng Barros, Olympic 2016 diễn ra vào mùa Đông, thời điểm muỗi sinh sôi yếu, kết hợp với nỗ lực diệt muỗi của chính phủ hiện nay, nguy cơ nhiễm Zika trong thời điểm diễn ra Olympic và Paralympic là không đáng lo ngại.
Ông cũng dẫn một nghiên cứu công bố gần đây của Đại học Cambridge (Anh) cho rằng nguy cơ lây nhiễm Zika trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao lớn của toàn cầu này là thấp hơn 0,0002%, tương đương chưa tới 1 ca nhiễm bệnh trong 500.000 khách tới Brazil.
Chính phủ Brazil sẽ huy động 2.500 nhân viên y tế, cung cấp quần áo chống muỗi cho các vận động viên cùng các vật dụng bảo vệ cần thiết khác. Nước này cũng đã đầu tư khoảng 18,8 triệu USD cho mạng lưới y tế của thành phố Rio de Janeiro, nơi đăng cai kỳ Olympic sắp tới.
Trong một diễn biến khác liên quan, cùng ngày, Cuba thông báo phát hiện trường hợp nhiễm Zika thứ 15. Theo thông báo của Bộ Y tế Cộng đồng Cuba, bệnh nhân là một phụ nữ 67 tuổi, vừa trở về từ Venezuela. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện và đang hồi phục tốt.
Cuba phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên hồi tháng Ba vừa qua, trong đó đa số là do lây nhiễm khi ra nước ngoài, chỉ duy nhất có 1 trường hợp lây nhiễm trong nước.
Virus Zika lây truyền qua muỗi Aedes aegypti, quan hệ tình dục và truyền máu, với các triệu chứng phổ biến nhất khi bị nhiễm là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Đây là loại virus nguy hiểm, nhất là với phụ nữ mang thai vì có thể gây dị tật ở thai nhi.
Cho đến nay, chưa có vắcxin phòng ngừa hay thuốc đặc trị virus này, và đây lý do khiến các nhà khoa học đang nỗ lực tìm cách kiểm soát sự sinh sôi của loài muỗi trung gian truyền bệnh Aedes aegypti./.