Ngày 3/3, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Oswaldo Cruz Foundation (Fiocruz) của Brazil thông báo đã phát hiện virus Zika trong tuyến nước bọt của muỗi thông thường hay muỗi Culex.
Phát hiện này đưa đến giả thuyết muỗi thường có thể truyền nhiễm căn bệnh trên.
Cho tới thời điểm hiện tại, muỗi Aedes aegypti được coi là nguồn gốc chính truyền virus Zika và lan truyền vi khuẩn sốt xuất huyết làm 1,65 triệu người bị mắc bệnh ở Brazil trong năm 2015.
Các nhà khoa học cho biết đang điều tra môi trường sống tự nhiên của muỗi Culex, đông gấp 20 lần muỗi Aedes aegypti trong khu vực lây nhiễm virus Zika để điều tra liệu loài muỗi này có mang khuẩn Zika hay không. Nếu phát hiện trên được khẳng định, virus Zika sẽ có nguy cơ lan truyền rất nhanh trên khắp thế giới.
Các thử nghiệm đã được tiến hành trên hơn 200 con muỗi Culex và nghiên cứu này sẽ kéo dài từ 6 đến 8 tháng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng khẳng định loài này có hay không thể truyền virus Zika sang người.
Muỗi Culex là loài phổ biến rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, đẻ trứng trong những hố chứa nước bẩn, không giống như muỗi Aedes aegypti đẻ trứng trong nước sạch và những khu vực ẩm thấp.
Loài muỗi thường sinh trưởng mạnh ở các khu vực đô thị thiếu cơ sở hạ tầng vệ sinh cơ bản, một vấn đề phổ biến ở các vùng nghèo của tất cả các thành phố lớn ở Brazil.
Theo số liệu chính thức vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, tại châu Mỹ có 2.765 người đã được xác nhận nhiễm virus Zika, chủ yếu tại Mỹ Latinh, trong khi số người bị nghi nhiễm virus này là 134.000 trường hợp./.