Hơn 8.500ha rừng, tương đương 10 triệu cây đã bị chặt phá trong 2 tháng đầu năm nay tại khu sinh thái lưu vực Xingu trong rừng Amazon ở Brazil.
Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn báo cáo công bố ngày 1/4 của Viện Các vấn đề môi trường và xã hội vùng Amazon (ISA) cho biết hoạt động phát triển nông nghiệp, xây dựng đường sá và chiếm đất bất hợp pháp là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tàn phá rừng tăng mạnh tại Brazil.
Theo số liệu thống kê, tốc độ phá rừng tại Xingu trong 2 tháng đầu năm nay đã tăng hơn 54% so với con số ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Trung bình có khoảng 170.000 cây bị chặt phá tại đây mỗi ngày.
Lưu vực Xingu có 53 triệu ha rừng nằm ở miền Bắc Brazil giữa bang Para và Mato Grosso, trong đó có 21 triệu hécta nằm trong khu bảo tồn của người bản địa.
ISA nhấn mạnh diện tích rừng bị tàn phá tại vùng đất của người bản địa đã tăng lần lượt 221% và 361% trong tháng 1 và tháng 2/2019 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình trạng phá rừng bất hợp pháp tại Xingu đang đe dọa nghiêm trọng tới cộng đồng người bản địa, cũng như các bộ lạc sống biệt lập tại Amazon.
[Amazon mất 30 triệu ha rừng nguyên sinh trong 17 năm]
Theo Viện Nghiên cứu không gian quốc gia (Inpe), ít nhất 7.900 km2 rừng Amazon đã biến mất trong giai đoạn từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2018, tăng 13,7% so với cùng kỳ giai đoạn trước và tương đương 1,18 tỷ cây bị chặt phá.
Trong khi đó, Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) đánh giá diện tích Amazon bị tàn phá tại Brazil trong 2 tháng đầu năm 2019 tương đương với 987.500 sân bóng đá.
Rừng rậm nhiệt đới Amazon thuộc lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ. Với diện tích gần 7 triệu km2, Amazon trải dài trên lãnh thổ của 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname. Khoảng 60% diện tích đó nằm trên lãnh thổ của Brazil.
Theo Ecociencia, chi nhánh tại Ecuador của tổ chức Mạng lưới thông tin xã hội – môi trường Amazon (Raisg), rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon đã mất tới 30 triệu hécta rừng nguyên sinh trong vòng 17 năm đầu tiên của thiên niên kỷ này./.