Trong tuần này, bang Sao Paulo của Brazil sẽ nhận lô vắcxin ngừa bệnh COVID-19 đầu tiên trong đơn hàng 46 triệu liều vắcxin do công ty Sinovac của Trung Quốc bào chế.
Brazil hiện là nước có số ca nhiễm cao thứ 3 thế giới và nhiều công ty dược phẩm tiến hành thử nghiệm vắcxin của mình tại đây. Cơ quan y tế cấp bang có quan điểm cấp tiến hơn chính quyền liên bang trong việc đảm bảo nguồn cung.
Người đứng đầu Trung tâm Y sinh Butantan của bang Sao Paulo, ông Dimas Covas cho biết. Butantan hy vọng có 46 triệu liều vắcxin của Sinovac sẵn sàng vào tháng 1/2021 để tiêm phòng cho người dân nếu vắcxin này được cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa phê chuẩn.
[Bộ Y tế Thái Lan chi 200 triệu USD phát triển và mua vắcxin]
Butantan đang tổ chức thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắcxin của Sinovac tại Brazil. Theo ông Covas, các kết quả sơ bộ cho thấy vắcxin này có mức an toàn cao. Ông cho biết 10.000 tình nguyện viên đã được tiêm khoảng 19.000 liều và 2.000 người khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm vắcxin.
Trong khi đó, ngày 17/11, giới chức y tế liên bang Brazil đã gặp đại diện hãng dược phẩm Pfizer. Bộ Y tế cho biết nước này sẽ mua loại vắcxin của Pfizer phối hợp với BioNTech nghiên cứu phát triển nếu vắcxin này được chứng nhận an toàn và được Anvisa cấp phép. Kết quả thử nghiệm loại vắcxin này được khẳng định có hiệu quả lên tới hơn 90%.
Cùng ngày, Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla sắp đề nghị các cơ quan quản lý của Mỹ thẩm định các dữ liệu xác định độ an toàn của vắcxin. Pfizer cho biết sẽ liên hệ với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin Giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) vào tuần thứ 3 của tháng 11.
Để đảm bảo tính an toàn của vắcxin thử nghiệm, FDA đã yêu cầu các nhà sản xuất vắcxin phải giám sát các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm ít nhất trong vòng 2 tháng sau khi tiêm liều thứ 2. Trước đó, việc giám sát này cũng phải được thực hiện trong 28 ngày sau khi tiêm liều thử nghiệm đầu tiên.
Ngoài các vắcxin thử nghiệm nói trên, trong tuần này, Bộ Y tế Brazil cũng sẽ gặp đại diện các hãng Johnson & Johnson của Anh, Bharat Biotech của Ấn Độ và các nhà sản xuất vắcxin Sputnik V của Nga nhằm đảm bảo nguồn cung vắcxin./.