Ngày 28/5, Bộ Quốc phòng Brazil thông báo tiếp tục theo đuổi chương trình hợp tác với Pháp để chế tạo 5 tàu ngầm quân sự phục vụ tuần tra khu vực biển rộng lớn của nước này, trong đó có một tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Phát biểu tại một hội nghị quốc phòng ở Sao Paulo, Đô đốc Hải quân Brazil Sydney dos Santos Neves cho biết đây là dự án chiến lược cho phép Brazil phát triển và sở hữu công nghệ tàu ngầm nguyên tử. Tàu ngầm này sẽ được nội địa hóa tối đa với sự đóng góp của 600 công ty trong nước và nguồn ngân sách đầu tư vào khoảng 7,2 tỷ USD.
Thông tin này được đưa ra ngay sau khi Chính phủ Brazil thông báo sẽ cắt giảm tới 23 tỷ USD ngân sách năm 2015 và Bộ Quốc phòng là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, dự án hiện đại hóa hệ thống tàu ngầm sẽ được ưu tiên triển khai bất chấp kinh tế khó khăn.
Năm 2008, Brazil và Pháp đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự trị giá 10 tỷ USD, theo đó Pháp giúp nước Nam Mỹ này chế tạo tàu ngầm. Theo lộ trình được công bố, tiến trình đóng tàu bao gồm hoàn thiện xưởng đóng tàu vào năm 2014, bắt đầu hoạt động của căn cứ hải quân vào năm 2015, hoàn thiện tàu ngầm đầu tiên vào năm 2016 và chính thức chuyển giao cho Hải quân Brazil vào năm 2017.
Dự kiến, ba tàu ngầm cùng loại còn lại sẽ được giao trong năm 2021 và tàu ngầm động cơ nguyên tử sẽ được giao vào năm 2025.
Cũng theo thỏa thuận, Pháp sẽ cung cấp trang thiết bị và tổ chức huấn luyện, đào tạo chuyên môn, trong khi phía Brazil sẽ tự phát triển lò phản ứng hạt nhân và làm giàu urani. Xưởng đóng tàu Nuclep tại thành phố Itaguai được lựa chọn làm nơi đặt căn cứ hải quân để vận hành các tàu ngầm này trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng cùng với phát triển công nghệ hạt nhân trong quân sự, việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ hàng không vũ trụ cũng là những trọng tâm trong chính sách quốc phòng của quốc gia có diện tích lớn nhất Nam Mỹ này.
Brazil từng có kế hoạch phát triển loại tàu ngầm này từ năm 1979, nhưng không có nhiều tiến bộ do khó khăn về ngân sách và cản trở công nghệ từ các cường quốc. Hợp đồng chuyển giao công nghệ ký với Pháp cho phép quốc gia Nam Mỹ có thể tự chế tạo một tàu ngầm nguyên tử có trọng tải 6.000 tấn và đạt tốc độ tối đa 65km/giờ.
Trong khi đó, 4 tàu ngầm quy ước chạy bằng động cơ diesel và điện, có trọng tải khoảng 2.000 tấn và tốc độ tối đa 11 km/giờ. Brazil tuyên bố mục tiêu của dự án này là nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên nằm tại thềm đại dương của mình.
Hiện trên thế giới chỉ có các nước ủy viên thường trực thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ, cùng với Ấn Độ, là có khả năng tự chế tạo tàu ngầm nguyên tử.
Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm của Thụy Điển, trong năm 2013, Brazil là một trong 15 nước có ngân sách quốc phòng cao nhất, khoảng 31,5 tỷ USD./.