Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 30/8 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 25.153.887 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 845.925 ca tử vong.
Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 17.499.005 người và vẫn còn 61.276 bệnh nhân nặng và trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 186.825 trường hợp tử vong trong tổng số 6.137.237 ca nhiễm.
Tiếp theo là Brazil với 120.498 ca tử vong trong số 3.846.965 bệnh nhân và Ấn Độ đứng thứ 3 với 63.657 ca tử vong trên 3.539.712 ca bệnh.
[Thế giới ghi nhận hơn 25 triệu ca dương tính với virus SARS-CoV-2]
Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 41.038 ca nhiễm mới và 924 ca tử vong.
Brazil ghi nhận thêm 34.360 ca nhiễm mới và 904 trường hợp tử vong do COVID-19, như vậy Brazil cũng đã trở thành quốc gia thứ hai có số ca tử vong vượt 120.000.
Trong khi đó, Ấn Độ hiện đang là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tăng nhanh nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, quốc gia 1,3 tỷ dân này ghi nhận tới 78.472 ca nhiễm mới và 944 ca tử vong.
Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ấn Độ vẫn quyết định tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa trước sức ép khôi phục nền kinh tế và hàng triệu người mất việc làm.
Chính phủ Ấn Độ ngày 29/8 đã công bố tài liệu hướng dẫn mới về nới lỏng các hạn chế giai đoạn 4, trong đó có việc nối lại có kiểm soát dịch vụ tàu điện ngầm từ ngày 7/9. Đây là một phần trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm khôi phục lại hoạt động của nền kinh tế.
Tài liệu trên cho biết các hoạt động thể thao, giải trí, tôn giáo, chính trị, cùng các hoạt động tụ tập đông người khác, sẽ được phép diễn ra với tối đa 100 người, có hiệu lực từ ngày 21/9. Tuy nhiên, biện pháp phong tỏa tại các khu vực điểm nóng COVID-19 sẽ tiếp tục được thực thi nghiêm ngặt cho đến ngày 30/9.
Bên cạnh đó, trường học, các cơ sở giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 30/9. Việc học trực tuyến/từ xa sẽ tiếp tục được khuyến khích.
Học sinh từ lớp 9-12 có thể được phép đến trường ở bên ngoài các khu vực điểm nóng dịch bệnh, trên cơ sở tự nguyện và phải có xác nhận đồng ý bằng văn bản của phụ huynh.
Cũng theo hướng dẫn, rạp chiếu phim, hồ bơi, công viên giải trí, rạp hát (không bao gồm rạp ngoài trời) và những nơi tương tự sẽ tiếp tục đóng cửa. Các chuyến bay quốc tế cũng chưa được phép nối lại.
Với số ca nhiễm mới đang tăng nhanh trở lại, nhiều quốc gia châu Âu đang siết chặt các quy định phòng chống dịch nhưng cố gắng tránh áp dụng các lệnh phong tỏa như cách đây vài tháng, mặc dù vậy nhiều người dân vẫn không hài lòng với các biện pháp hạn chế mới.
Cảnh sát Đức ngày 29/8 đã chặn một cuộc tuần hành lớn của hàng nghìn người dân ở thủ đô Berlin phản đối các biện pháp hạn chế của chính phủ. Đây là một trong những cuộc tuần hành lớn nhất ở châu Âu diễn ra trong ngày để chống lại các biện pháp hạn chế và quy định đeo khẩu trang bắt buộc nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.
Tại Đức, khoảng 18.000 người đã tập trung tại khu vực Cổng Brandenburg ở Berlin. Tuy nhiên, cuộc diễu hành đã bị cảnh sát chặn lại do nhiều người không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.
Hàng nghìn người không chịu giải tán và một số người đã ném chai lọ và gạch đá vào cảnh sát, dẫn tới việc khoảng 300 người đã bị bắt, tuy nhiên sau đó phần lớn trong số này đã được trả tự do.
Sự chủ quan của nhiều người dân châu Âu cũng được thể hiện rõ với việc khoảng 1.000 người biểu tình phản đối đeo khẩu trang đã tụ tập ở thành phố Zurich của Thụy Sĩ.
Một cuộc biểu tình có quy mô tương tự cũng diễn ra tại Quảng trường Trafalgar ở thủ dô London (Anh).
Tại thủ đô Paris của Pháp, khoảng 300 người tuần hành phản đối quy định của chính phủ bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả các địa điểm công cộng.
Trong khi đó, một nghiên cứu được Đại học Hassan II, tại Casablanca, Maroc công bố cho thấy các biện pháp phong tỏa đã gây ra những tác động tiêu cực về mặt kinh tế, xã hội của Vương quốc Bắc Phi.
Theo nghiên cứu này, việc thực thi phong toả đã gây ra suy giảm tất cả các chỉ số về mức sống. Khu vực nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với khu vực thành thị.
Khoản trợ cấp của chính phủ giành cho các hộ gia đình một mặt đã giúp giảm bớt một phần cú sốc do đại dịch gây ra, nhưng mặt khác lại làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa hai khu vực.
Các tính toán của nghiên cứu cho thấy, tuỳ theo các kịch bản cụ thể, mức tăng trưởng GDP của Maroc trong năm 2020 sẽ giao động từ âm 5% (lạc quan), âm 7,3% (tiêu chuẩn) và âm 9,6% (bi quan) so với trường hợp không có dịch bệnh.
Bất động sản, khách sạn và dịch vụ ăn uống, xây dựng là những lĩnh vực gánh chịu tác động nặng nề nhất. Số người mất việc làm tăng đáng kể, tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia hiện tại tăng gấp đôi so với giai đoạn chưa xảy ra dịch COVID-19.
Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là nông nghiệp (mất 416.000 việc làm), dệt - thuộc da (mất 204.000 việc làm) và thương mại (mất 165.000 việc làm). Chỉ có 58% số hộ gia đình được tiếp cận các khoản hỗ trợ của chính phủ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Maroc đã ghi nhận 60.056 trường hợp dương tính với chủng mới virus SARS-CoV-2, trong đó 1.078 người đã tử vong./.