Brazil: Tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Bolsonaro giảm sau 3 tháng

Khoảng 30% số người được hỏi đánh giá chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Bolsonaro ở mức “xấu hoặc tồi tệ,” trong khi 32% ghi nhận ở mức “tốt hoặc xuất sắc” và 33% ở mức “trung bình.”
Brazil: Tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Bolsonaro giảm sau 3 tháng ảnh 1Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. (Nguồn: Bloomberg)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, sau 3 tháng cầm quyền, tỷ lệ tín nhiệm đối với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã giảm 16% xuống còn 67%, trong khi số người phản đối đã tăng từ 21% lên 38%.

Kết quả thăm dò dư luận do hãng Datafolha thực hiện trong các ngày 2 và 3/4, đối với 2.086 người trên 16 tuổi, cho thấy khoảng 30% số người được hỏi đánh giá chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Bolsonaro ở mức “xấu hoặc tồi tệ,” trong khi 32% ghi nhận ở mức “tốt hoặc xuất sắc” và 33% ở mức “trung bình.”

Khoảng 59% số người được hỏi vẫn bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống Bolsonaro sẽ có một nhiệm kỳ thành công, thấp hơn chút ít so với mức độ tin tưởng dành cho ông trước thềm lễ nhậm chức hôm 1/1 vừa qua (65%).

Những kết quả thăm dò dư luận nêu trên là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất đối với một Tổng thống Brazil sau 3 tháng cầm quyền, kể từ khi nền dân chủ nước này được khôi phục năm 1985.

[Bộ trưởng Brazil đầu tiên trong nội các ông Bolsonaro bị cách chức]

Nhiệm kỳ của ông Bolsonaro liên tiếp vấp phải sóng gió ngay trong những tháng đầu tiên, liên quan những bê bối về sự tồn tại của các “ứng cử viên ma” để nhận tiền từ quỹ bầu cử của đảng Xã hội Tự do (PSL) cầm quyền, cũng như những nghi ngờ về nguồn tài chính bất thường của con trai ông - Thượng nghị sỹ Flavio Bolsonaro.

Trong khi đó, nền kinh tế Brazil chưa có nhiều biến chuyển tích cực, những lo ngại liên quan tới cải cách chính sách hưu trí và những xung đột giữa các phe phái trong chính phủ cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới hình ảnh của vị tổng thống theo đường lối cực hữu này.

Trong khi đó, ngày 7/4, hàng nghìn người dân Brazil tại nhiều thành phố đã xuống đường bày tỏ sự ủng hộ đối với cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, yêu cầu chính quyền trả tự do cho nhà lãnh đạo cánh tả này nhân dịp tròn 1 năm ngày ông bị bắt giam với cáo buộc tham nhũng.

Trong một cuộc míttinh trước cổng nhà tù ở Curitiba - nơi giam giữ ông Lula da Silva, Chủ tịch đảng Lao động (PT) Gleisi Hoffmann đã công bố một bức thư của ông Lula da Silva gửi từ trại giam, trong đó khẳng định ông đã phải nhận một bản án bất công, mang động cơ chính trị và việc giam giữ ông là nhằm ngăn chặn ông trở lại chính trường.

Cựu Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh mình đã trở thành một “tù nhân chính trị bị lưu đày trên chính đất nước của mình,” đồng thời nhấn mạnh trong quá trình xét xử, bên nguyên đã "không đưa ra được bằng chứng buộc tội chống lại ông."

Nhà lãnh đạo cánh tả Brazil khẳng định ông là đã dành cả cuộc đời để xây dựng một đất nước Brazil công bằng hơn, phát triển hơn và chủ quyền hơn, và đó cũng là lý do ông bị ngăn cản ra ứng cử một lần nữa vào năm 2018.

Cựu Tổng thống Lula da Silva, 73 tuổi, từng giữ hai nhiệm kỳ tổng thống giai đoạn 2003-2010, hiện vẫn là nhà chính trị có tầm ảnh hưởng lớn tại Brazil. Năm 2017, ông bị kết tội tham nhũng cùng mức án 12 năm 1 tháng tù giam với cáo buộc nhận căn hộ hạng sang trong vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil Petrobras.

Sau khi kháng án bất thành, nhà cựu lãnh đạo cánh tả đã chấp nhận thi hành án, dù vậy ông vẫn luôn khẳng định mọi cáo buộc nhằm vào ông là sai lầm và có động cơ chính trị.

Đến tháng 2/2019, ông tiếp tục nhận thêm một bản án 12 năm 11 tháng tù nữa trong một cáo buộc khác liên quan tới tham nhũng và rửa tiền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.