Brexit bế tắc và 7 câu hỏi lớn cần sớm có lời giải

Vấn đề Brexit đang được cả thế giới quan tâm. Mọi người sẽ hỏi vì sao một nước Anh vốn nổi tiếng về tính thực dụng và tinh thần vì cái chung lại rơi vào tình trạng Brexit lộn xộn như hiện nay.
Cờ Liên minh châu Âu (bên phải) và quốc kỳ Anh (trái) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 4/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vấn đề Brexit đang được cả thế giới quan tâm, thảo luận. Mọi người sẽ hỏi vì sao một nước Anh vốn nổi tiếng về tính thực dụng và tinh thần vì cái chung lại rơi vào tình trạng Brexit lộn xộn như hiện nay và làm thế nào để nước này thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn đó.

Tờ Finacial Times của Anh, ngày 5/4, cho rằng có 7 vấn đề mọi người cần biết về Brexit:

1. Brexit là gì?

Tháng 6/2016, 52% cử tri Anh đã bỏ phiếu để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tổ chức mà Anh đã tham gia từ năm 1973.

Liên tiếp nhiều chính phủ Anh đã thể hiện tính nước đôi đối với tư cách thành viên EU, nhiệt tình ủng hộ việc các thị trường hội nhập với nhau hơn nhưng lại từ chối đồng tiền cũng như những chính sách chung, ví dụ như khu vực tự do đi lại.

Thủ tướng David Cameron đã nhượng bộ những người có thành kiến với EU trong đảng Bảo thủ và cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh.

Brexit là quá trình ra khỏi EU, chấm dứt hơn 40 năm là thành viên của khối này, những năm đã giúp định hình nền kinh tế và xã hội Anh. Chưa từng có một thành viên nào rút khỏi EU.

2. Tại sao nước Anh vẫn chưa ra đi?

Thủ tướng Theresa May, người kế nhiệm ông Cameron, cuối cùng đã ký một thỏa thuận “ly hôn” với EU vào tháng 11/2018, nhưng vẫn chưa đạt được sự phê chuẩn của Quốc hội.

Đàm phán để nước Anh ra đi là một thách thức vô cùng khó khăn đối với bất kỳ thủ tướng nào, nhưng những người chỉ trích cho rằng bà May đã xử lý vấn đề này một cách tồi tệ.

Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, bà May đã đặt ra những giới hạn đỏ (những yêu cầu không thể thương lượng) mà không tham khảo ý kiến rộng rãi.

[Nghị sỹ Bảo thủ phản đối quyết định gia hạn Brexit của Thủ tướng Anh]

Tháng 3/2017, bà May đã kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, theo đó Anh và EU có thời hạn 2 năm để thống nhất các điều khoản ra đi trong khi chính phủ của bà chưa có quan điểm rõ ràng về cái họ mong muốn từ việc ra khỏi EU.

Tiếp đó, bà May cho tổ chức bầu cử sớm vào tháng 6/2017. Việc tổ chức bầu cử sớm làm tốn thời gian và cũng làm bà May mất thế đa số trong Quốc hội.

3. Tại sao Brexit quan trọng đối với thế giới?

Anh là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới và từ lâu đã được xem là một cường quốc bậc trung. Nhưng đất nước này hiện đang bị phân cực sâu sắc và tầng lớp chính trị của Anh bị tiêu hao bởi việc vật lộn với những cái mà việc ra khỏi EU đòi hỏi.

Dù một số người châu Âu hiện tin rằng khối sẽ tốt hơn nếu không có Anh, nhưng việc nước Anh ra đi sẽ làm suy yếu EU về chính trị, chiến lược và tài chính.

Nó có thể dẫn đến sự rối loạn nghiêm trọng các liên kết thương mại giữa thị trường Anh và EU vốn chiếm 44% xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và 53% nhập khẩu của Anh.

Những người ủng hộ Brexit thì cho rằng một khi ở ngoài EU, Anh sẽ củng cố mối quan hệ chính trị và thương mại chặt chẽ hơn với Mỹ và các nền kinh tế đang phát triển nhanh khác.

4. Tại sao Anh lại trong tình trạng bế tắc hiện nay?

Anh không thể quyết định loại quan hệ nào họ muốn có với EU trong tương lai. Anh vẫn chưa xác định được sự cân đối giữa việc giành lại quyền hoạch định chính sách và duy trì quyền tiếp cập các thị trường EU.

Brexit đã tạo ra một cuộc xung đột giữa nền dân chủ trực tiếp của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, trong đó các cử tri đã chọn rời khỏi EU, và nền dân chủ đại diện của quốc hội.

Hạ viện phần lớn ủng hộ EU - nhiều nghị sĩ muốn duy trì mối quan hệ với khối chặt chẽ hơn mức bà May đề xuất.

Nhưng trong nhóm ủng hộ EU này cũng có sự chia rẽ. Trong các cuộc bỏ phiếu vừa qua, các đề xuất thay thế cho thỏa thuận của bà May cũng không chiếm được đa số.

Nhìn chung, đảng Bảo thủ cầm quyền ủng hộ Brexit hơn Công đảng đối lập. Nhiều thành viên Công đảng ủng hộ ở lại EU.

Nhưng có sự chia rẽ sâu sắc trong cả hai đảng. Hiện bà May đang tìm cách thương lượng với lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn nhằm đạt được một thỏa thuận về mối quan hệ EU-Vương quốc Anh trong tương lai và việc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận bà đã đàm phán với EU.

Tuy nhiên, do sự chia rẽ, nhiều người hoài nghi cho rằng bước đi này khó có thể thành công.

5. Có vấn đề gì với thỏa thuận của bà May?

Thỏa thuận này gồm hai phần. Phần đầu và quan trọng nhất là một thỏa thuận rút lui quy định Anh phải trả cho EU bao nhiêu tiền, các quyền của công dân Anh sinh sống ở EU và công dân EU sinh sống ở Anh.

Thỏa thuận này cũng bao gồm các cam đoan “chốt chặn” để tránh một biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, yếu tố có thể đe dọa tiến trình hòa bình trên hòn đảo này.

Thỏa thuận rút lui này cũng thiết lập một giai đoạn chuyển tiếp. Trong giai đoạn đó, nhiều vấn đề sẽ được giữ nguyên, nhiều quyền và nghĩa vụ của Anh với tư cách là thành viên EU được giữ nguyên nhưng Anh sẽ mất quyền bỏ phiếu trong EU.

Giai đoạn chuyển tiếp sẽ kéo dài đến cuối năm 2020 và có thể được gia hạn thêm hai năm nữa.

Phần thứ hai của thỏa thuận là một tuyên bố chính trị không có tính ràng buộc, phác họa mối quan hệ của Anh với EU trong tương lai bằng các điều khoản mơ hồ.

Thỏa thuận rút lui đã bị Hạ viện bác bỏ với đa số rất lớn hồi tháng 1 và tiếp tục bị bác bỏ 2 lần trong tháng 3 - phần lớn là do sự phản đối của những người thành kiến với EU, phản đối vấn đề “chốt chặn,” và những người muốn nước Anh quan hệ mật thiết với EU và lo ngại về những hậu quả của một sự chia tách đột ngột với EU.

Bất đắc dĩ, các nhà lãnh đạo EU đã quyết định cho Anh thêm thời gian, lùi thời gian nước Anh dự kiến ra đi từ ngày 29/3 sang 12/4.

EU cũng quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10/4 - chỉ hai ngày trước thời hạn mới - để quyết định xem liệu có tiếp tục gia hạn hay tiến hành Brexit không thỏa thuận.

6. Làm thế nào để kết thúc tình trạng bế tắc hiện nay?

Bà May hy vọng rằng các nghị sĩ cuối cùng sẽ chấp thuận thỏa thuận của bà vì có sự thỏa hiệp nào đó vẫn tốt hơn nguy cơ Brexit không thỏa thuận hoặc một sự sụp đổ.

Bà May đang tìm kiếm sự ủng hộ từ Công đảng để thỏa thuận được thông qua, đổi lại là những nhượng bộ trong tuyên bố chính trị có thể giúp Brexit “mềm hơn” về dài hạn.

Nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ, bà May hy vọng trong những ngày tới các nghị sỹ sẽ vẫn chọn thỏa thuận của mình trong cuộc cạnh tranh với các lựa chọn Brexit khác.

Tuy nhiên, do thời gian còn lại rất ít, tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới, bà May sẽ xin gia hạn, có thể là xin gia hạn đến tận cuối năm. Bà May muốn EU cho phép Anh gia hạn đến khi Quốc hội ủng hộ thỏa thuận của bà.

Tuy nhiên không có gì đảm bảo rằng EU sẽ đáp ứng một yêu cầu lạ thường như vậy, nhất là khi cuộc bầu cử nghị viện châu Âu dự kiến vào cuối tháng 5 đang đến gần.

Một lựa chọn khác là ra đi mà không có thỏa thuận. Bà May dường như cũng chống kịch bản này vì những ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế và mối quan hệ giữa các vùng hợp thành nước Anh, đặc biệt là Bắc Ireland.

Tuy nhiên, Brexit không thỏa thuận đang được đa số các nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ. Ủy ban châu Âu cũng cho rằng khả năng xảy ra kịch bản này ngày càng tăng lên.

Cuối cùng, Anh có thể thu hồi Điều 50, chấm dứt hoàn toàn tiến trình Brexit. Bà May đã thề sẽ không làm điều này, nhưng bà cũng đã hứa nhiều lần rằng Anh sẽ ra đi vào ngày 29/3 nhưng điều đó đã không xảy ra.

7. Điều gì xảy ra sau Brexit?

Tất cả phụ thuộc vào kịch bản Brexit mà Anh lựa chọn. Nếu không có thỏa thuận với EU, tình trạng rối loạn có thể xảy ra tại các cảng biển của cả Anh và EU vì các hãng vận tải và quan chức phải vật lộn với các tài liệu hải quan, việc kiểm tra tiêu chuẩn và thuế quan mới lạ.

Sự gián đoạn nghiêm trọng có thể là tạm thời, nhưng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và làm suy giảm mạnh thương mại giữa EU và Anh.

Sự thù ghét sẽ tác động xấu lên các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai, điều mà cả hai bên đều coi là quan trọng.

Nếu thỏa thuận của bà May hay một biến thể của nó được thông qua, các điều kiện giao dịch sẽ không thay đổi trong suốt thời gian chuyển tiếp kéo dài ít nhất 21 tháng.

Tuy nhiên, các công ty sẽ đưa ra quyết định đầu tư một phần dựa trên cơ sở kỳ vọng của họ về triển vọng của nước Anh sau Brexit.

Ngoài ra, bà May đã đồng ý sẽ từ chức nếu thỏa thuận của bà được thông qua, một thủ tướng Bảo thủ khác định hình mối quan hệ với châu Âu trong tương lai.

Người kế vị bà May có thể lại là một người theo đường lối Brexit cứng rắn hơn. Do đó, có thể nói còn lâu Brexit mới kết thúc. Các cuộc đàm phán của Anh với EU có thể còn diễn ra nhiều, nhiều năm nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục