Bức xạ tia cực tím tăng cao ở mức nguy hiểm tại TP.HCM

Trong hai ngày 26 và 27/3, người dân Thành phố Hồ Chí Minh phải trải qua thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao kèm tia cực tím tăng mạnh, nhất là từ 10 giờ đến 16 giờ.
(Nguồn: bujinfo.am)

Trong hai ngày 26 và 27/3, người dân Thành phố Hồ Chí Minh phải trải qua thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao kèm tia cực tím tăng mạnh, nhất là từ 10 giờ đến 16 giờ.

Những người đi ra đường vào thời gian này không chỉ chịu đựng nắng nóng khó chịu mà còn bị bỏng rát ở các phần da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đã xảy ra một số hiện tượng say nắng, bỏng nắng nhẹ.

Nhiệt độ cao nhất đo được tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng giữa trưa trong những ngày qua đạt 36-37 độ C, bức xạ tia cực tím ở mức 11, có lúc lên đến 12. Bác sỹ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu (Bệnh viện quận Thủ Đức), cho biết bức xạ tia cực tím ở mức 12 có thể gây bỏng da nếu tiếp xúc liên tục trong 10 phút mà không có các biện pháp bảo vệ cơ thể.

[Nắng nóng kéo dài, người dân Nam Bộ cần phòng tránh tia UV]

Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể càng lớn. Bức xạ cực tím có thể gây tổn thương tế bào da, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt.

Theo Bác sỹ Nguyễn Triệu Vũ, để tránh tác hại của bức xạ tia cực tím, người dân không nên ra đường vào lúc nắng gắt nhất, khoảng 10-16 giờ hàng ngày; dùng áo dài tay, quần dài để che cho da càng nhiều càng tốt, dùng mũ, nón che phủ đầu mặt. Trời nhiều mây nhưng không phải lúc nào cũng hạn chế được tia cực tím do một số trường hợp đám mây có thể phản xạ và tăng cường độ của tia cực tím.

Trong khi đó, theo các bác sỹ đa khoa, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến người lớn tuổi dễ mắc bệnh viêm họng, viêm xoang và viêm thanh quản do trong môi trường nắng nóng, vi trùng, vi khuẩn phát triển mạnh. Bên cạnh đó, nắng nóng làm cho niêm mạc đường hô hấp suy yếu, giảm miễn dịch. Trẻ em dễ mắc các bệnh rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, bệnh về hô hấp.

Trong thời tiết nắng nóng mọi người cần chú ý ăn uống đảm bảo vệ sinh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, không nên đi ngoài trời nắng gay gắt rồi vào phòng lạnh ngay vì thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ gây bệnh. Người dân có thể tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước hoa quả, ăn nhiều rau xanh, bảo quản thức ăn đúng cách.

Theo bản tin cảnh báo nắng nóng của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tình trạng nắng nóng tiếp tục duy trì trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông với nhiệt độ cao nhất từ 34,8-36,6 độ C, riêng tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) nhiệt độ cao nhất lên đến 37,5 độ C. Tại Thành phố Hồ Chí Minh nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, nội thành trên 36 độ C.

Nhiệt độ tăng cao trong những ngày qua là do áp cao lạnh lục địa tiếp tục dịch chuyển ra phía Đông và suy yếu, áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng về phía Đông và Đông Nam, đồng thời áp cao cận nhiệt đới có trục vắt qua Trung Bộ hoạt động mạnh.

Từ ngày 28/3, áp thấp nóng phía Tây bị nén về phía Nam do tác động của một bộ phận không khí lạnh từ phía Bắc di chuyển xuống, áp cao cận nhiệt trên cao cũng dần suy yếu rút ra. Vì vậy nắng nóng có xu hướng gia tăng và mở rộng trên khu vực các tỉnh miền Đông và một số tỉnh miền Tây, nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Dự báo, từ ngày 30/3 nắng nóng thu hẹp và giảm dần trên khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục