Buôn lậu, gian lận thương mại ở Lạng Sơn có chiều hướng giảm

Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Lạng Sơn có chiều hướng giảm so với 6 tháng cuối năm 2014.
Buôn lậu, gian lận thương mại ở Lạng Sơn có chiều hướng giảm ảnh 1Kiểm kê mặt hàng rượu nhập lậu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Hoàng Hùng/TTXVN)

Đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn đã giảm so với cuối năm 2014, tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Theo Ban Chỉ đạo 389, trong 6 tháng qua, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra trên 1.600 vụ; số vụ vi phạm hành chính là 1.423 vụ, số vụ khởi tố hình sự 69 vụ; tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 7 tỷ đồng; tiền phạt bổ sung và truy thu thuế gần 1 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu ước tính trên 36 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho biết, mặc dù tình hình buôn lậu trong những tháng đầu năm đã giảm và không có diễn biến phức tạp so với năm 2014 nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Các đối tượng luôn thay đổi những phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại.

Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu trong thời gian qua chủ yếu vẫn là tìm cách mang, vác nhỏ lẻ hàng hóa theo đường vòng, đường tránh vượt qua các điểm chốt chặn để qua biên giới. Sau khi vào nội địa, hàng hóa được viết hóa đơn bán hàng và vận chuyển trên các loại xe mô tô và ô tô theo các tuyến quốc lộ 1A, 1B về phía sau.

Bên cạnh việc buôn lậu những mặt hàng tiêu dùng thông thường, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, đặc biệt là nhóm mặt hàng các loại ma túy tổng hợp từ Trung Quốc nhập lậu qua địa bàn và các tỉnh phía sau vẫn diễn biến phức tạp.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu là lợi dụng những phương tiện, máy móc thiết bị liên lạc hiện đại để móc nối, cấu kết với nhau thành đường dây khép kín, liên tỉnh; việc giao dịch được chia làm nhiều công đoạn, luôn thay đổi hình thức, địa điểm và ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, bắt giữ.

Một số mặt hàng cấm khác được nhập lậu như ma túy, pháo nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực… vẫn được các đối tượng buôn lậu lén lút găm, cắm nhỏ lẻ trên các xe khách, xe môtô vận chuyển về phía sau.

Gian lận thương mại, trong khu vực nội địa chủ yếu gian lận về lĩnh vực thuế, sử dụng hóa đơn bán hàng gian lận về trị giá, chủng loại hàng hóa, gian lận về đo lường chất lượng, lĩnh vực giá… .Với khu vực biên giới, các đối tượng chủ yếu lợi dụng thủ tục Hải Quan điện tử đối với hàng hóa được hệ thống phân luồng xanh, vàng để khai sai về tên hàng, sai xuất xứ, thuế suất, số lượng, chủng loại và lợi dụng các quy định về chính sách quản lý hàng hóa để thực hiện gian lận thương mại.

Vì vậy, để chủ động hơn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường củng cố lực lượng tham gia công tác chống buôn lậu, đảm bảo nguồn cán bộ đầy đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công tác chống buôn lậu trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng, với những hình thức, nội dung phù hợp đa dạng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ công chức và trong quần chúng nhân dân, nhất là cư dân khu vực biên giới; chủ động phối hợp với cơ quan báo chí để công khai kết quả điều tra, xử lý những vụ việc vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

Tỉnh Lạng Sơn cũng tập trung lực lượng triển khai thực hiện tốt công tác trinh sát, nắm tình hình, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, không để hình thành các đường dây, tụ điểm hàng lậu lớn trên địa bàn. Tỉnh chủ động tăng cường công tác phối hợp, trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ thông tin để nắm chắc địa bàn, đối tượng, nhất là địa bàn trọng điểm, đối tượng chủ mưu để có các phương án phối hợp kiểm tra, xử lý có hiệu quả.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm và duy trì các chính sách ưu đãi dành cho cư dân biên giới, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng biên nhằm hạn chế việc cư dân bị các đối tượng lợi dụng để mang, vác hàng hóa qua biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục