Cà Mau xuất hiện 4 đoạn sạt lở đê biển rất nguy hiểm

Theo kết quả khảo sát đầu tháng Tám vừa qua, toàn tuyến đê biển Tây, tỉnh Cà Mau xuất hiện 4 đoạn sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài hơn 5,2km; trong đó, có hơn 3.250m đê bị sạt lở nghiêm trọng.

Chiều 21/9, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết kết quả khảo sát vào đầu tháng Tám vừa qua cho thấy toàn tuyến đê biển Tây, tỉnh Cà Mau đang xuất hiện 4 đoạn sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài hơn 5,2km; trong đó, có hơn 3.250m đê bị sạt lở nghiêm trọng, rình rập nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào.

Nguy hiểm nhất là tại 4 điểm chính: từ Dòng Cát đến Tiểu Dừa, Ba Tĩnh đến T25, Nam Kinh Mới và Đá Bạc đến Sào Lưới. Hiện ở những đoạn sạt lở này đai rừng chỉ còn rất mỏng, có nơi không còn đai rừng.

Mặc dù bên ngoài đê biển đã có kè bằng công nghệ ly tâm, nhưng do chưa đầu tư xây dựng hoàn thiện nên sóng biển vẫn tiếp tục ảnh hưởng gây sạt lở. Ở những vị trí chưa có kè bảo vệ thì diễn biến sạt lở càng nghiêm trọng hơn. Nếu các đoạn nói trên không được xử lý khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thân đê và có thể gây vỡ đê trong mùa mưa bão năm nay.

‘‘Một khi xảy ra tình trạng vỡ đê sẽ để lại tổn thất rất lớn không chỉ đối với đời sống, sản xuất của người dân bên trong đê, mà về lâu dài có thể phá vỡ quy hoạch sản xuất do nước biển tràn vào vùng ngọt gây xâm nhập mặn.

Chưa kể các khu dân cư và nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, công trình hạ tầng thuộc địa bàn các xã ven biển và các khu vực lân cận của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời cũng bị ảnh hưởng trực tiếp nếu như xảy ra vỡ đê," ông Nam bày tỏ lo lắng.

[Cà Mau: Thực hiện kết luận kiểm toán liên quan đến dự án đê biển Tây]

Trước thực trạng trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ hơn 29 tỷ đồng để thực hiện 3 công trình khẩn cấp khắc phục sạt lở đê biển Tây.

Cụ thể, đoạn sạt lở Hương Mai +7.900m hướng về Tiểu Dừa thuộc huyện U Minh có chiều dài 610m; đoạn sạt lở Nam, Bắc Kênh Mới và đoạn từ Đá Bạc +2.000m hướng về Sào Lưới thuộc huyện Trần Văn Thời có chiều dài 500m; đoạn sạt lở từ Ba Tĩnh đến T25 thuộc huyện Trần Văn Thời có chiều dài 1.900m.

Cùng đó, tỉnh Cà Mau đề xuất Trung ương xem xét hỗ trợ gần 24 tỷ đồng để địa phương khắc phục các đoạn sạt lở theo tình huống khẩn cấp đê biển Tây theo Quyết định 1278/QĐ-UBND ngày 4/8/2019 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Phòng, chống thiên tai hỗ trợ tỉnh Cà Mau về giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao trình đỉnh kè đê biển Tây từ +1,8m đến +2,1m, kè bờ biển Đông từ +2,5m trở lên.

Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp phi công trình; đặc biệt là các công trình kè phòng chống, khắc phục sạt lở tại các vị trí xung yếu ven biển có chiều dài hơn 28,7km, với kinh phí đầu tư 958,7 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau như: vốn Trung ương hỗ trợ, vốn ngân sách tỉnh, vốn của doanh nghiệp…

Nhờ đó, Cà Mau đã khắc phục được hàng trăm hecta rừng phòng hộ, góp phần bảo vệ đê biển. Tuy vậy, tình hình bất lợi của thời tiết khiến đê biển xuất hiện thêm nhiều vị trí sạt lở mới. Tình trạng sạt lở bờ biển của tỉnh diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục