Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,” trong năm 2023, toàn ngành đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo xử lý 172 dự án, công trình không/chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích 6.922ha.
Tất cả các dự án, công trình không/chậm đưa đất vào sử dụng trên đã được các địa phương thu hồi đất và chấm dứt hoạt động.
Thông tin cụ thể tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường” diễn ra ngày 31/12, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay thời điểm đầu năm 2023, cả nước có 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng và chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích 28.155ha.
Tuy nhiên, thực hiện tinh thần Nghị quyết số 74, đến nay các địa phương xử lý 172/908 dự án với diện tích là 6.922ha (đã thu hồi đất và chấm dứt hoạt động dự án) đồng thời xử lý gia hạn sử dụng đất 226/908 dự án với diện tích 1.719ha; đang xử lý 106/908 dự án với diện tích là 1.206ha.
Hiện còn 404 dự án với diện tích 18.308ha chưa xử lý do còn vướng mắc.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn
Việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm đảm bảo tính đồng nhất, phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành; khắc phục các vướng mắc, bất cập; thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trước thực tế trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong năm 2024, cơ quan này sẽ thành lập các Tổ Công tác chuyên trách để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương (nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,…) giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ xem xét, xử lý ngay các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục xác định giá đất cho các dự án bất động sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng gây chậm trễ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn các địa phương hoàn thành, trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 05 năm cấp tỉnh; tổ chức thực hiện “Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026-2030 cấp quốc gia;” tổ chức kiểm tra công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 39/2021/QH15 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.