Ngày 19/5, đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen cho biết các bên xung đột tại Syria đã nhất trí nhóm họp tại Geneva (Thụy Sĩ) để đàm phán về soạn thảo Hiến pháp.
Ông đồng thời cho rằng một "khoảng lặng ngừng chiến" có thể mang lại cơ hội để bắt đầu hàn gắn "sự ngờ vực sâu sắc" giữa các bên.
Trao đổi với báo giới, đặc phái viên Pedersen nêu rõ: "Ngay khi tình hình dịch bệnh cho phép, họ đã nhất trí tới Geneva và đã thống nhất về một chương trình nghị sự cho cuộc gặp tới."
[Tây Bắc Syria tương đối yên ổn sau thỏa thuận ngừng bắn]
Tuy nhiên, ông không cho biết thời gian cụ thể ngoài việc nói rằng một cuộc họp trực tuyến của các thành viên Ủy ban Hiến pháp Syria là điều không thể.
Quan chức này đồng thời kêu gọi các quan chức Mỹ và Nga đàm phán để thúc đẩy nền hòa bình ở Syria.
Trước đó một ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành phiên họp trực tuyến định kỳ hằng tháng về tình hình chính trị tại Syria.
Đặc phái viên Pedersen cho biết tình hình tại Tây Bắc Syria hiện tương đối yên ổn sau thoả thuận ngừng bắn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Ba vừa qua.
Tuy nhiên, vẫn có một số vụ việc va chạm nhỏ lẻ diễn ra, đáng chú ý nhất là cuộc tấn công gần đây của nhóm cực đoan wa-Harid al-Muminin khiến một số binh lính Syria thiệt mạng.
Ông Pedersen cũng cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có dấu hiệu tăng cường hoạt động tại miền Đông Syria.
Đặc phái viên kêu gọi các bên duy trì an ninh ổn định để tạo điều kiện cho tiến trình chính trị trên cơ sở Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an.
Các nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bảy tỏ ủng hộ đối với giải pháp chính trị cho tình hình tại Syria, kêu gọi các bên tiếp tục duy trì tình hình an ninh ổn định, tiếp tục duy trì trao đổi và hợp tác để sẵn sàng trở lại bàn đàm phán trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp, khi tình hình COVID-19 cho phép.
Về phần mình, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, bày tỏ hy vọng tình hình ổn định trong giai đoạn hiện nay sẽ tạo đà cho tiến trình chính trị và cuộc chiến chống COVID-19 tại Syria.
Bất ổn và xung đột tại Syria hiện đã bước sang năm thứ 10, tạo nên một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử với hàng trăm nghìn người thương vong, hàng triệu người mất nhà cửa và phải tị nạn./.