Các biến số xác định ngưỡng tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng

Các chuyên gia y tế Australia cho rằng miễn dịch cộng đồng đạt được khi khả năng miễn dịch trong một quần thể đủ cao để ngăn chặn con đường lây lan của dịch bệnh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Lampedusa, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Lampedusa, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19 thông qua việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine, câu hỏi được nhiều người đặt ra là đâu là tỷ lệ hay ngưỡng tiêm chủng cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, giới chuyên môn y tế tránh đưa ra một con số duy nhất để trả lời cho câu hỏi trên do việc xác định con số này phụ thuộc vào một số biến số quan trọng.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, hai chuyên gia y tế Australia là bà Julie Leask - Giáo sư Đại học Sydney, và ông James Wood - chuyên gia y tế cộng đồng thuộc Đại học New South Wales, cho rằng miễn dịch cộng đồng đạt được khi khả năng miễn dịch trong một quần thể đủ cao để ngăn chặn con đường lây lan của dịch bệnh.

Trong khi tiêm chủng giúp bảo vệ trực tiếp những người được tiêm, miễn dịch cộng đồng giúp cả những người chưa được tiêm bằng việc ngăn chặn đường lây nhiễm.

Các chuyên gia Australia cho biết mỗi bệnh có ngưỡng miễn dịch cộng đồng riêng. Ví dụ, bệnh sởi có ngưỡng miễn dịch là 92%-94%. Đối với bệnh COVID-19, hiện các chuyên gia đặt ra ngưỡng miễn dịch cộng đồng là 85% hoặc cao hơn.

[Tình hình COVID-19 ngày 27/7: Thế giới ghi nhận hơn 195 triệu ca mắc]

Có ba lý do khiến các chuyên gia y tế khó đưa ra một ngưỡng miễn dịch cộng đồng chung và thống nhất đối với bệnh COVID-19.

Thứ nhất, có nhiều biến số liên quan đến vaccine và mức độ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Hệ số lây nhiễm R0, tức số người trung bình lây bệnh từ 1 ca nhiễm trong điều kiện không có biện pháp kiểm soát, của virus SARS-CoV-2 là 2-3, trong khi biến thể Delta được ước tính là có khả năng lây nhiễm cao gấp đôi, với hệ số R0 là 4-6.

Loại vaccine, số lượng liều đã được tiêm (một hay hai mũi) và mức độ hiệu quả của vaccine đối với các biến thể virus khác nhau cũng là các biến số cần tính đến. Đấy là còn chưa kể đến hiệu quả chung của vaccine giảm khoảng 10% đối với biến thể Delta. Theo đó, khi hiệu quả của vaccine thấp hơn, cần đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao hơn mới có thể kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Thứ hai, hiện chưa thể tiêm chủng cho toàn bộ dân số. Ngay cả ở Australia, vaccine của hãng Pfizer mới được chấp thuận sử dụng tạm thời cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Sẽ cần thêm nhiều thời gian cho việc tiêm chủng nhóm đối tượng này, chưa nói đến các em nhỏ tuổi hơn.

Ngoài ra, việc tiêm phòng ở người lớn cũng đem lại sự bảo vệ gián tiếp nhất định đối với trẻ em. Ở Anh, nơi có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine là 48,5%, tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em dưới 10 tuổi đã bắt đầu giảm.

Biến số thứ ba là khả năng bảo vệ của tiêm chủng về mặt thời gian và không gian. Khả năng bảo vệ của vaccine ở mỗi cá nhân có thể sẽ giảm dần theo thời gian. Cùng với đó là sự xuất hiện của các biến thể mới. Các yếu tố này gần như chắc chắn đặt ra yêu cầu phải có các mũi tiêm nhắc lại để bảo vệ người dân chống lại bệnh COVID-19.

Các chuyên gia Australia lưu ý ngay cả với chương trình tiêm chủng ngừa cúm, hiếm khi chúng ta đề cập tới khả năng miễn dịch cộng đồng, vì thời gian bảo vệ của vaccine quá ngắn.

Vào mùa cúm tiếp theo, khả năng miễn dịch nhờ vaccine lại giảm đi trước các biến chủng virus mới xuất hiện. Sự bảo vệ của vaccine cũng khác nhau giữa các địa phương và trong các nhóm cộng đồng.

Ngay cả ở một quốc gia đã đạt miễn dịch cộng đồng nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao chống lại bệnh sởi, vẫn xảy ra những đợt bùng phát nhỏ ở những nơi có mức độ tiêm chủng thấp hơn. Bên cạnh đó, khả năng đạt miễn dịch cộng đồng còn bị ảnh hưởng bởi mật độ dân số và mức độ tiếp xúc giữa các nhóm dân cư khác nhau.

Trước khả năng lây nhiễm cao của biến thể Delta, các chuyên gia Australia khẳng định các nước cần đạt được tỷ lệ tiêm chủng rất cao để có được miễn dịch cộng đồng đối với bệnh COVID-19.

Khi đó, các đợt bùng phát có thể vẫn xảy ra, nhưng sẽ bớt rủi ro hơn, khi có ít người mắc bệnh nghiêm trọng hơn, và trên phạm vị hẹp hơn.

Trong khi các hạn chế có thể được nới lỏng, như mở cửa trở lại biên giới quốc gia, cho phép cách ly tại nhà đối với những người đã được tiêm phòng đầy đủ, các biện pháp bảo đảm sức khỏe cộng đồng như truy vết nhanh chóng và cách ly người tiếp xúc, tăng cường xét nghiệm nhanh sẽ vẫn được duy trì bên cạnh việc thúc đẩy các phương pháp điều trị mới có hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục