Các Bộ trưởng Tài chính G7 đạt được nhất trí về cắt giảm nợ công

Các nhà lãnh đạo tài chính trong nhóm G7 đã đạt được đồng thuận quan trọng trong việc tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ cải cách cơ cấu kinh tế ở nhiều nước.
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương các nước G7. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) đã đạt được nhất trí về những biện pháp cắt giảm nợ công và thâm hụt ngân sách, cũng như hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Phát biểu tại buổi họp báo kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G7 diễn ra tại thành phố Dresden của Đức, Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Schaeuble nêu rõ các nhà lãnh đạo tài chính trong nhóm G7 đã đạt được đồng thuận quan trọng trong việc tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ cải cách cơ cấu kinh tế ở nhiều nước. Ngoài ra, các bên cũng tìm được tiếng nói chung trong vấn đề chống trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Theo đó, các nước trong G7 sẽ từng bước xây dựng cơ chế xóa bỏ những khác biệt để tạo cơ sở cho việc hình thành các biện pháp kiểm tra phối hợp liên quốc gia, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng chuyển giá và gian lận thuế. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này, G7 đề nghị các nước đang phát triển cùng tham gia và bày tỏ sẵn sàng trợ giúp các nước xây dựng bộ quy định quản lý thuế.

Liên quan đến việc ngăn chặn nguồn tài trợ cho các tổ chức khủng bố quốc tế, lãnh đạo tài chính G7 thống nhất cần tăng cường các biện pháp giám sát nguồn tiền luân chuyển trong hệ thống tài chính quốc tế của các cá nhân, tổ chức bị nghi ngờ dính líu đến khủng bố. Trước mắt, các nước G7 sẽ tiếp tục xem xét xây dựng một số quy định mới, trong đó có việc kiểm soát hoạt động mua bán cổ vật mà các tổ chức khủng bố đang sử dụng hiện nay.

Do vấn đề nợ công của Hy Lạp không nằm trong chương trình nghị sự nên Hội nghị không đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, đây vẫn là chủ đề chi phối phần lớn nội dung các cuộc gặp bên lề giữa lãnh đạo ngành tài chính các nước G7, cũng như trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí. Càng về cuối hội nghị càng có nhiều ý kiến mạnh mẽ về việc không loại trừ khả năng Hy Lạp sẽ phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mà một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất là từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo Ủy viên phụ trách vấn đề tiền tệ của EU, ông Pierre Moscovici, các bên cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán về vấn đề nợ của Hy Lạp vì nước này đang đứng ngay trước ngưỡng cửa phải tuyên bố phá sản nếu không trả được nợ. Các bộ trưởng tài chính G7 cho rằng gói cải cách mà Athens đưa ra chưa đủ mạnh và thiếu tính ràng buộc.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương được xem là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra tại lâu đài Elmau, bang Bayern của Đức, trong hai ngày 7-8/6 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục