Các bộ trưởng tài chính từ Nhóm bảy nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) sẽ nhóm họp tại Đức trong các ngày 27-29/5, trong thời điểm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa vững chắc, sức ép lạm phát thấp.
Chương trình nghị sự của hội nghị sẽ tập trung vào Hy Lạp và những giải pháp để nước này có thể ở lại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Các số liệu về kinh tế của Mỹ (có thể đã suy giảm trong quý 1/2015) chắc cũng sẽ là chủ đề nổi bật tại hội nghị.
Nhà kinh tế kỳ cựu của Standard Chartered, Thomas Costerg cho biết, khi các cuộc thương lượng giữa Hy Lạp với các đối tác ở Eurozone đang bế tắc, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo một thỏa thuận cần đạt được giữa các bên liên quan trước cuối tháng này.
Theo một nghị sỹ của đảng cầm quyền ở Hy Lạp, Athens không thể thanh toán nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế đúng hạn vào ngày 5/6, trừ phi các nhà tài trợ quốc tế giải ngân thêm tiền cứu trợ.
Nhiều nhà phân tích cùng cho rằng tình trạng cạn kiệt tiền của Hy Lạp đang ngày càng trở nên đáng lo ngại và số tiền cứu trợ thêm cho nước này sớm muộn gì cũng phải được cấp để tránh nguy cơ phá sản.
Trong khi hoạt động kinh tế tăng chậm lại ở Eurozone và các nhà máy ở Trung Quốc hoạt động sa sút, những người theo dõi thị trường đang trông đợi Mỹ sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát sơ bộ của hãng tin Reuters tuần trước dự báo số liệu về GDP được điều chỉnh của Mỹ công bố ngày 29/5 sẽ giảm sút khoảng 0,7% trong quý 1/2015.
Trong khi đó, số liệu điều chỉnh về GDP của Vương quốc Anh được công bố vào ngày 28/5, có thể cho thấy kinh tế nước này đầu năm nay tăng trưởng cao hơn so với ước tính ban đầu, ở mức 0,4%.
Ấn Độ cũng sẽ công bố số liệu GDP vào ngày 29/5 và các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này tăng trưởng ở mức 7,4% trong quý đầu năm.
Hoạt động kinh tế ở Brazil giảm trong quý 1/2015 và số liệu GDP sắp công bố có thể xác nhận sự giảm sút này.
Về sức ép lạm phát thấp, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang nỗ lực để đạt con số lạm phát có ý nghĩa trong nhiều thập niên và dù lãi suất gần 0% và nhiều chương trình kích thích trị giá hàng nghìn tỷ yen được tung ra, con số công bố ngày 28/5 có thể cho thấy sức ép lạm phát không lớn./.