Chốt phiên cuối tuần, chỉ số S&P 500 giảm 3,72 điểm (tương đương 0,1%) xuống còn 2.950,46 điểm, sau khi lập kỷ lục trong phiên trước. Chỉ số Dow Jones giảm 34,04 điểm (tương đương 0,1%) xuống 26.719,13 điểm. Chỉ số này có thời điểm trong phiên đã vượt mức kỷ lục được xác lập vào ngày 3/10 năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite giảm 19,63 điểm (tương đương 0,2%) xuống 8.031,71 điểm.
Theo công ty phân tích tài chính FactSet, trong cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 2,2%, chỉ số Dow Jones tăng 2,4%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 3% so với tuần trước đó.
Nếu thị trường vẫn giữa được đà tăng trong tuần tới, chỉ số Dow Jones có thể có tháng 6 tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1938. Trong khi đó, đây cũng là thời điểm khởi sắc nhất của S&P 500 kể từ năm 1955, còn với chỉ số Nasdaq Composite là từ năm 2000.
[Chỉ số S&P 500 lập kỷ lục nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí]
Những phát biểu từ Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm 19/6 về việc sẵn sàng cắt giảm lãi suất đã tạo động lực cho các thị trường tài chính. Nhiều nhà đầu tư nhận định, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ chuẩn bị cho khả năng nền kinh tế "hạ cánh mềm", khi tăng trưởng kinh tế bên ngoài yếu và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vẫn đang diễn ra căng thẳng.
Các chiến lược gia cho rằng động lực mua vào trên thị trường chứng khoán bị hạn chế do căng thẳng tại Trung Đông leo thang, khiến giá dầu chịu sức ép.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/6 xác nhận ông đã rút lại kế hoạch không kích nhằm vào Iran vì đó có thể là sự đáp trả không tương xứng với vụ Tehran bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ. Ông Trump cũng cho biết, các biện pháp trừng phạt bổ sung đã được áp đặt đối với Tehran từ tối 20/6 (giờ Mỹ).
Trong khi đó, các nhà đầu tư đang chờ cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào tuần tới./.