Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và lãnh đạo đối lập Bill Shorten đã không đạt được thỏa thuận về cách thức giải quyết vấn đề quốc tịch đang gây rắc rối cho nhiều chính trị gia của nước này.
Theo Điều 44 của Hiến pháp Australia, những người có quốc tịch nước ngoài không có đủ tư cách để được bầu vào Quốc hội nước này.
Tòa án Thượng thẩm Australia hồi tháng 10 vừa qua đã loại bốn thượng nghị sỹ và một hạ nghị sỹ ra khỏi Quốc hội vì vi phạm Điều 44 nói trên liên quan đến quốc tịch.
Các nghị sỹ Justine Keay thuộc Công đảng Australia (ALP) và John Alexander thuộc đảng Dân tộc Tự do (LNP) cũng có thể phải đối mặt tình huống tương tự sau khi cả 2 ông bị phát hiện mang quốc tịch Anh.
Tại một cuộc họp kéo dài 2 giờ ở Melbourne ngày 8/11, hai ông Turnbull và Shorten đã không thể thỏa thuận cách thức giải quyết tốt nhất cho vấn đề gây tranh cãi hiện nay.
[Thủ tướng Australia nỗ lực giải quyết vụ bê bối hai quốc tịch]
Thủ tướng Turnbull có kế hoạch đưa ra các dự luật mới yêu cầu mọi chính trị gia liên bang công bố tình trạng quốc tịch trong vòng 21 ngày kể từ khi dự luật được thông qua, tuy nhiên dự luật cần có sự ủng hộ của đảng ALP của ông Shorten để thông qua. Ông Shorten cho rằng 21 ngày là quá dài và các chính trị gia chỉ nên có 5 ngày.
Vấn đề "2 quốc tịch" đã trở nên nóng lên trên chính trường Australia mấy tuần qua khi một số nghị sỹ của các đảng nhỏ trong Quốc hội buộc phải từ chức sau khi bị phát hiện mang hai quốc tịch.
7 nghị sỹ thuộc Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền cũng bị tố cáo mang hai quốc tịch, trong đó có Phó Thủ tướng Barnaby Joyce.
Vụ bê bối mập mờ quốc tịch này được cho là rất bất lợi đối với liên đảng cầm quyền với thế đa số chỉ hơn quá bán một ghế.
Tuy nhiên, giới phân tích chính trị cho rằng đề xuất mới của Thủ tướng Turnbull không phù hợp với xu hướng nhân khẩu học hiện tại của Australia với hơn 50% trong tổng số 24 triệu người dân nước này sinh ra ở nước ngoài hoặc có cha, mẹ sinh ra ở nước ngoài./.