Các công ty than của Mỹ yêu cầu không rút khỏi Hiệp định Paris

Một số công ty khai thác than đá hàng đầu của Mỹ kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ lời hứa về việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Xe tải Haul di chuyển than trong chuyến thăm mỏ than Bắc Antelope Rochelle của hãng Peabody Energy gần Gillette, Wyoming, Hoa Kỳ. (Nguồn: Reuters)

Một số công ty khai thác than đá hàng đầu của Mỹ ngày 4/4 đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ lời hứa về việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đồng thời cho rằng thỏa thuận này sẽ là diễn đàn tốt nhất để bảo vệ các lợi ích toàn cầu của họ.

Trong các cuộc thảo luận với giới chức Nhà Trắng diễn ra những tuần qua, các công ty than lớn của Mỹ như Cloud Peak Energy Inc và Peabody Energy Corp đều khẳng định rằng việc Mỹ tham gia thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu sẽ tạo cơ hội cho các nhà đàm phán Mỹ có thể bảo vệ tốt hơn ngành than trong thị trường năng lượng toàn cầu tương lai.

Một quan chức giấu tên tham gia các cuộc thảo luận trên cảnh báo nếu Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ dẫn tới việc các công ty than đá của Mỹ trong tương lai mất thị phần trong thị trường quốc tế và nhường chỗ cho các nước châu Âu.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ với chính phủ của Tập đoàn Cloud Peak, ông Richard Reavey khẳng định quan điểm của công ty này là Mỹ nên tiếp tục tham gia Hiệp định Paris và cố gắng thúc đẩy "một hướng tiếp cận cân bằng hơn, hợp lý và thích hợp hơn" đối với các công nghệ nhiên liệu hóa thạch giữa các nước đã tham gia ký kết thỏa thuận lịch sử này. Coi đây là quan điểm phù hợp nhất, ông Richard Reavey nhấn mạnh ngành công nghiệp than đặc biệt quan tâm tới việc Hiệp định Paris đóng vai trò đảm bảo cho các nhà máy sử dụng năng lượng từ việc đốt than có lượng phát thải thấp và nguồn hỗ trợ tài chính cho các công nghệ giúp thu gom và lưu trữ lượng khí carbon phát thải.

Các nhà sản xuất than cũng mong muốn Hiệp định Paris sẽ bảo đảm các nguồn tài trợ đa phương cho các dự án than quốc tế thông qua các thể chế tài chính như Ngân hàng Thế giới.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được đại diện gần 200 quốc gia, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc, ký kết hồi tháng 4/2016 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) và đã chính thức có hiệu lực bảy tháng sau đó.

Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Tham gia thỏa thuận này, Mỹ từng cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm 26-28% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 2005. Tuy nhiên, trong các chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, ông Trump từng cam kết sẽ rút khỏi Hiệp định Paris nếu ông đắc cử.

Trong một động thái mới nhất liên quan tới vấn đề này, người phát của Nhà Trắng Sean Spicer hồi tuần trước cho biết "Hiệp ước Paris vẫn đang được chính quyền thảo luận," theo đó hiện Mỹ chưa đưa ra quyết định về việc rút khỏi hay tiếp tục tham gia Hiệp định Paris.

Trước đó, trong cuộc điều trần tại Thượng viện, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng Mỹ nên tiếp tục tham gia Hiệp định Paris vì qua đó, Mỹ sẽ có mặt trong các cuộc thảo luận quan trọng nhằm giải quyết mối đe dọa từ biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục