Các đảng Hàn Quốc phản ứng trước việc phê chuẩn thỏa thuận liên Triều

Các chính đảng Hàn Quốc phản ứng trái chiều trước việc Tổng thống phê chuẩn thỏa thuận thượng đỉnh và thỏa thuận quân sự liên Triều
Các đảng Hàn Quốc phản ứng trước việc phê chuẩn thỏa thuận liên Triều ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng ngày 19/9/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 23/10, các đảng phái chính trị tại Hàn Quốc phản ứng trái chiều trước việc Tổng thống Moon Jae-in quyết định phê chuẩn Tuyên bố chung Bình Nhưỡng và thỏa thuận quân sự liên Triều khi chưa có sự đồng ý của Quốc hội nước này.

Hai thỏa thuận này đều được ký kết tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên tháng 9 vừa qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, đảng Dân chủ cầm quyền hoan nghênh quyết định trên, cho rằng đây là biện pháp đúng đắn và gây áp lực để Quốc hội thông qua Tuyên bố chung Panmunjom.

Người phát ngôn đảng Dân chủ Lee Hae-sik cho rằng đây là biện pháp phù hợp với luật pháp.

Quan chức này nhấn mạnh với bước đi trên, Quốc hội sẽ phải khẩn trương thông qua Tuyên bố chung Panmunjom và đáp lại mong muốn của đại đa số người dân.

Tương tự, đảng Công lý và đảng Dân chủ hòa bình cũng bày tỏ lập trường ủng hộ, kêu gọi Quốc hội cần khẩn trương thông qua Tuyên bố chung Panmunjom.

Người phát ngôn Kim Jong-hyon của đảng Dân chủ hòa bình cho rằng: “Khi xem xét tới sự ổn định hợp tác liên Triều thì việc đương nhiên (việc thông qua Tuyên bố chung Panmunjom) là không thể trì hoãn thêm.”

[Tổng thống Hàn Quốc phê chuẩn thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều]

Về phần mình, người phát ngôn Chue Seok của đảng Công lý cho rằng Tuyên bố chung Bình Nhưỡng, vốn là văn bản thỏa thuận thấp hơn so với Tuyên bố chung Panmunjom, cần được ưu tiên thông qua.

Quan chức này đồng thời nhấn mạnh hiện là thời điểm Quốc hội cần phải thông qua Tuyên bố chung Panmunjom theo ý nguyện của người dân.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Moon Jae-in phê chuẩn Tuyên bố chung Bình Nhưỡng và thỏa thuận quân sự liên Triều khi chưa có sự đồng ý của Quốc hội lại vấp phải sự phản đối của đảng Hàn Quốc tự do và đảng Bareun tương lai.

Chủ tịch Ủy ban đối phó khẩn cấp của đảng Hàn Quốc tự do, ông Kim Pyong-jun nêu rõ: “Đây chỉ là tuyên bố của chính phủ, chưa được (Quốc hội) thông qua."

Trong khi đó, người phát ngôn Lee Jong-chol của đảng Bareun tương lai cho rằng trong khi Tuyên bố Panmunjom đang chờ Quốc hội phê chuẩn, việc trực tiếp phê chuẩn Tuyên bố Bình Nhưỡng khi đang cần tiếp tục thảo luận cụ thể, là không đúng trình tự.

Ông Lee cho rằng Tổng thống Moon Jae-in cần phải xử lý nhất quán, và Quốc hội cần phải thông qua Tuyên bố chung Panmunjom trước khi phê chuẩn Tuyên bố chung Bình Nhưỡng và thỏa thuận trên lĩnh vực quân sự.

Tuyên bố chung Bình Nhưỡng được Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký kết tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều diễn ra hồi tháng 9 vừa qua.

Trong khi đó, thỏa thuận quân sự nói trên được ký bên lề cuộc gặp thượng đỉnh này nhằm tìm kiếm cách thức làm giảm hơn nữa căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên.

Hàn Quốc và Triều Tiên hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật kể từ sau cuộc chiến tranh 1950-1953. Thời gian gần đây hai bên liên tục gia tăng các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ.

Việc Tổng thống Moon Jae-in phê chuẩn 2 thỏa thuận nói trên được xem là thêm một động thái tích cực mở đường cho tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.