Các điều kiện sống trên bề mặt đại dương có thể biến mất vào năm 2100

Với lượng khí thải trong không khí đang gia tăng với tốc độ chưa từng có, có những lo ngại rằng, khí hậu bề mặt đại dương có thể trở nên ít thân thiện hơn với các loài động vật biển.
Ảnh minh họa. (Nguồn: news.asu.edu)

Theo nghiên cứu công bố ngày 26/8, tới 95% bề mặt đại dương trên Trái Đất sẽ biến đổi vào cuối thế kỷ này, trừ khi con người giảm lượng khí thải carbon.

Khí hậu bề mặt đại dương, được xác định bằng nhiệt độ của nước, tính axit và mật độ aragonite mà nhiều động vật biển sử dụng để hình thành xương và vỏ, đảm bảo sự sống cho đa số sinh vật biển.

Các đại dương trên thế giới hấp thụ khoảng 1/3 lượng khí thải carbon kể từ diễn ra Cách mạng công nghiệp.

Tuy nhiên, với lượng khí thải trong không khí gia tăng với tốc độ chưa từng có trong ít nhất là 3 triệu năm, có những lo ngại rằng khí hậu bề mặt đại dương có thể trở nên ít thân thiện hơn với các loài động vật biển.

[Hành động vì khí hậu: Cuộc đua "đang thua nhưng còn cơ hội thắng"]

Các nhà nghiên cứu tại Mỹ muốn đánh giá tác động của khí thải carbon đến bề mặt đại dương kể từ giữa thế kỷ 18. Họ cũng dự báo về tác động của khí thải cho đến năm 2100.

Để làm điều đó, họ đã mô hình hóa khí hậu đại dương trên toàn cầu theo ba giai đoạn: đầu thế kỷ 19, cuối thế kỷ 20 và cuối thế kỷ 21.

Sau đó, họ đưa ra hai kịch bản về khí thải. Kịch bản thứ nhất giả định lượng khí thải đạt đỉnh vào năm 2050, sau đó giảm chậm trong cho đến cuối thế kỷ. Kịch bản thứ hai giả định các hoạt động diễn ra như bình thường, với lượng khí thải tiếp tục tăng trong 80 năm tới.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy 36% các điều kiện sống trên bề mặt đại dương hiện diện trong thế kỷ 20 có thể biến mất trong thế kỷ 21 theo kịch bản thứ nhất và con số này lên đến 95% theo kịch bản thứ hai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục