Theo Financial Times, Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch để đưa khối này trở thành nền kinh tế đầu tiên trên thế giới đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Cách tiếp cận của EU đối với nhiệm vụ chấm dứt sự phụ thuộc kinh tế vào nhiên liệu hóa thạch bao gồm ba đòn bẩy chính sách lớn là quy định và tiêu chuẩn khí thải chặt chẽ hơn đối với ngành công nghiệp, định giá carbon và thuế đánh vào những tác nhân gây ô nhiễm và các quy tắc để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ phát thải thấp.
Brussels hy vọng các biện pháp mới sẽ đảm bảo khối 27 quốc gia có thể giảm lượng khí thải trung bình từ 55% vào năm 2030 xuống 0 vào năm 2050.
Đến nay, EU đã cắt giảm 24% lượng khí thải so với mức năm 1990, và đang hướng sự tập trung vào một số nguồn phát thải lớn, bao gồm các nhà máy điện, nhà máy, ôtô, máy bay, vận chuyển và hệ thống sưởi.
Định giá carbon
Trọng tâm trong nỗ lực của EU nhằm giảm mạnh lượng khí thải trên toàn nền kinh tế là cải tổ thị trường carbon của khối, được gọi là Hệ thống giao dịch khí thải (ETS).
Được thành lập vào năm 2005, ETS yêu cầu các tác nhân gây ô nhiễm công nghiệp lớn như các nhà sản xuất thép và máy phát điện phải mua tín chỉ carbon (carbon credit, giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu phát thải khí CO2) để trang trải chi phí gây ô nhiễm của họ.
Các tín chỉ này được giao dịch trên thị trường tài chính và đã tăng lên mức khá cao là hơn 55 euro (65 USD) cho mỗi tấn carbon.
Ủy ban châu Âu (EC) hiện đề xuất mở rộng chương trình này để lần đầu tiên áp dụng cho ngành vận tải biển.
Ngoài ra, EC cũng sẽ loại bỏ dần các loại tín chỉ carbon miễn phí mà nhiều lĩnh vực lâu nay được hưởng lợi, ví dụ như các hãng hàng không phải trả phí gây phát thải trên các chuyến bay trong EU.
Tiến trình này dự kiến kết thúc vào năm 2036, và ETS được thiết kế để giảm 61% lượng khí thải trong hệ thống trong vòng 10 năm tới.
Trong số các đề xuất gây tranh cãi nhất là kế hoạch mở rộng hệ thống giao thông và dự án xây dựng các tòa nhà.
Một số chính phủ EU cho rằng kế hoạch này sẽ làm tăng hóa đơn tiền điện và xăng của những người tiêu dùng không đủ khả năng chuyển sang các năng lượng thay thế xanh hơn.
Brussels đặt mục tiêu tạo ra cú hích với khoản tài chính 72 tỷ euro (85,1 tỷ USD) để giúp hỗ trợ những người bị thiệt hại.
"Biên giới" carbon
EU đang có kế hoạch trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu dựa trên lượng khí thải carbon của họ.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU là một phần của nỗ lực ngăn chặn việc "rò rỉ carbon," khi các công ty có thể chuyển hoạt động của họ sang các khu vực pháp lý khác để tránh các "quy định xanh" của chính phủ.
Ngành công nghiệp châu Âu đã lên tiếng yêu cầu CBAM đảm bảo rằng các đối thủ cạnh tranh nước ngoài cũng phải đối mặt với chi phí phát thải tương tự.
Tuy nhiên, những nỗ lực áp thuế biên giới hiện gặp khó khăn do khía cạnh pháp lý, bao gồm cả việc tuân thủ các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Công cụ này ban đầu sẽ được giới hạn cho các sản phẩm như thép, xi măng, nhôm và phân bón, và các nhà xuất khẩu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo hệ thống này, các công ty sẽ phải mua tín chỉ carbon tương ứng với mức giá mà ngành công nghiệp châu Âu phải trả. EC cho biết, họ sẽ chỉ áp dụng mức thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ định giá carbon tương đương như các đối thủ châu Âu.
Các lĩnh vực kinh doanh không thuộc thị trường carbon của EU bao gồm nông nghiệp, chất thải và một số bộ phận của ngành công nghiệp, chiếm gần 60% tổng lượng phát thải trong EU.
Giờ đây, những lĩnh vực này sẽ phải tuân theo các mục tiêu ràng buộc về phát thải, được EU đặt ra trong Quy chế Chia sẻ Nỗ lực.
27 thành viên EU sẽ cần đưa ra mục tiêu của mỗi quốc gia về phát thải trong các lĩnh vực này. Các mục tiêu này đã được sửa đổi sau khi EU đồng ý đẩy nhanh việc giảm phát thải carbon từ mức 40% lên 55% vào năm 2030.
Brussels cũng đã điều chỉnh các tiêu chí xác định mục tiêu khí thải của các quốc gia thành viên, dựa trên đánh giá về nền kinh tế của mỗi nước.
Trước đây, mục tiêu giảm khí thải của các nước nghèo thấp hơn so với các nước giàu, nhưng các nền kinh tế phương Tây đã kêu gọi sự phân phối bình đẳng hơn giữa các khối.
Ba Lan, Lithuania và Latvia sẽ nằm trong số các quốc gia phải đối mặt với các thách thức lớn nhất trong vấn đề này.
Thuế xanh
Brussels đặt mục tiêu tăng thuế carbon đối với nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường bằng cách cập nhật quy tắc về thuế xanh đã được ban hành từ 15 năm trước, với tên gọi Chỉ thị đánh thuế năng lượng.
[Luật khí hậu có hiệu lực, EU hướng tới trung hòa khí thải vào 2050]
Lần đầu tiên, EC muốn đánh thuế nhiên liệu phản lực được các hãng hàng không sử dụng và nhiên liệu gây ô nhiễm trong ngành vận tải biển.
Đây được coi là biện pháp xóa bỏ các lỗ hổng vốn cho phép nhiều nước EU miễn trừ thuế đối với nhiên liệu hóa thạch.
Đây sẽ là nhiệm vụ chính trị khó khăn bởi việc điều chỉnh chính sách thuế đòi hỏi sự nhất trí của tất cả các nước EU.
Các quốc gia nhỏ hơn như Hy Lạp, Cyprus và Malta có khả năng sẽ phản đối việc đánh thuế vận chuyển, với lập luận rằng các nước này bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch và có ít nhiên liệu xanh hơn.
Ôtô "sạch" và nhiên liệu xanh
Brussels muốn đưa các nhà sản xuất ôtô vào cơ chế ETS và đặt ra tiêu chuẩn khí thải khắc nghiệt hơn đối với các phương tiện mới được bán ra trên khắp châu Âu. Mục tiêu mà EU đề ra là giảm 90% lượng khí thải từ phương tiện giao thông.
EU đề xuất các tiêu chuẩn khí thải carbon nghiêm ngặt hơn đối với các phương tiện chở khách mới, đặt ra mốc thời gian cụ thể để cấm bán xe ôtô chạy dầu diesel và xăng ở châu Âu từ năm 2035.
Các nhà sản xuất ôtô không thể đáp ứng các tiêu chuẩn, được đặt ra 5 năm một lần, sẽ phải chịu phạt.
Các tiêu chuẩn "ôtô sạch" của EU lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2018. Xu hướng sử dụng các loại xe điện đã thúc đẩy Brussels đẩy nhanh việc chuyển đổi ngành công nghiệp ô tô sâu rộng hơn.
Bên cạnh đó, Brussels muốn hỗ trợ ngành công nghiệp xanh bằng cách tạo ra các quy tắc để thúc đẩy sự phát triển của nhiên liệu xanh và triển khai các trạm sạc điện thiết yếu. EU cũng dự định tăng thêm nhiều trạm tiếp nhiên liệu hydro hơn cho xe tải.
Ngoài ra, Brussels cũng muốn khuyến khích phát triển nhiên liệu bền vững cho máy bay và tàu thủy.
EC đã đề xuất mục tiêu nhiên liệu hàng không bền vững vào năm 2030 chiếm 5% - một mục tiêu tương đối khiêm tốn phản ánh khó khăn trong việc sử dụng nhiên liệu xanh để cung cấp năng lượng cho các chuyến bay đường dài.
Các hãng vận tải đường biển cũng sẽ phải báo cáo với EU về loại tàu và nhiên liệu mà họ sử dụng.
EC muốn nâng mục tiêu về tỷ trọng năng lượng tái tạo của khối lên 40% tổng năng lượng vào năm 2030, so với mục tiêu hiện tại là 30%.
Gần 2/3 năng lượng tái tạo hiện tại của EU bắt nguồn từ sinh khối, là việc đốt các viên nén được làm từ chất thải hữu cơ để lấy năng lượng.
EC đối mặt với áp lực từ các nhóm môi trường trong việc loại bỏ sinh khối gỗ khỏi các định nghĩa về năng lượng tái tạo.
Bể chứa carbon
Brussels hiện đang nhắm mục tiêu thúc đẩy các bể chứa carbon tự nhiên, nơi đất và rừng có thể hấp thụ CO2 từ khí quyển, nhằm giúp đạt được các mục tiêu về khí hậu năm 2030.
EU đề xuất mở rộng mức hấp thụ carbon của EU lên 310 triệu tấn từ mục tiêu hiện tại là 265 triệu tấn theo quy định về sử dụng đất và lâm nghiệp của EU.
Tuy nhiên, việc "bù đắp" lượng khí thải bằng cách sử dụng bể chứa carbon là một vấn đề đang tranh cãi bởi các nhà khoa học cho rằng, rất khó để đo lường chính xác lượng carbon có thể bị loại bỏ và kích thước bể chứa carbon của EU vốn không ổn định./.