Các FTA giúp hàng Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Hiện Việt Nam đàm phán, ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu về hội nhập kinh tế quốc tế. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đây là ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW” về Hội nhập Quốc tế, diễn ra ngày 2/8.

Nâng cao vị thế trên trường quốc tế

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 4 đối tác chiến lược toàn diện, 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện).

Cùng đó, Việt Nam có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Hiện Việt Nam cũng đàm phán, ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.

[Chính phủ yêu cầu nâng cao mức độ, chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế]

Nhấn mạnh các kết quả nổi bật, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc tham gia các FTA đã giúp nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư.

Ông đơn cử, năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức thặng dư gần 12 tỷ USD. Hơn nữa, 7 tháng đầu năm 2023 tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 15,23 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức thặng dư gần 12 tỷ USD. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để mở rộng phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh; tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý; tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, ổn định an sinh xã hội. Người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh…

“Việc tham gia các FTA đã góp phần nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước, tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác chủ chốt, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển đất nước,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống Thương vụ

Mặc dù việc hội nhập đã cho thấy sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam được cải thiện nhưng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra một số tồn tại, trong đó doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu của riêng mình tại thị trường nước ngoài.

Hội nhập Kinh tế Quốc tế chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững của nền kinh tế, như nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất vẫn lệ thuộc vào thị trường thế giới hay các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia mạnh vào các chuỗi cung ứng quốc tế quan trọng, nhất là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế và thương mại quốc tế chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố bề rộng mà thiếu sự đóng góp đáng kể của các yếu tố chiều sâu (như năng suất lao động, hàm lượng tri thức hay công nghệ)…

Từ thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế 10 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đưa ra một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể, gắn kết giữa hội nhập Kinh tế Quốc tế với đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, ngoại giao và các mục tiêu chiến lược khác trong tiến trình hội nhập Kinh tế Quốc tế.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng đề xuất xem xét xây dựng, điều chỉnh khuôn khổ pháp lý trong nước để phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước, đồng thời hỗ trợ và tận dụng tốt nhất các cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Chú trọng tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hội nhập Kinh tế Quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, đánh giá và dự báo các vấn đề mới, các xu thế vận động của hội nhập.

Ông Diên cũng nhấn mạnh thêm các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu bền vững.

Các FTA đã giúp hàng hóa của Việt Nam phủ sóng khắp các châu lúc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cùng với đó, tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ kiện thương mại, giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp có phản ứng chính sách phù hợp…

“Kết hợp chặt chẽ giữa hội nhập kinh tế với hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng và các vấn đề về xã hội như lao động, công đoàn… tạo mối quan hệ gắn kết hài hòa giữa các lĩnh vực hội nhập, trong đó phát huy vai trò trọng tâm của hội nhập trong lĩnh vực kinh tế để phát huy sức mạnh tổng thể, đóng góp vào quá trình phát triển chung của đất nước,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu ý kiến.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục