Theo báo cáo được công bố ngày 11/6 của Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), những nỗ lực nhằm đẩy lùi việc lạm dụng bia rượu hiện đang bị hủy hoại bởi các mối liên hệ giữa bóng đá với ngành sản xuất đồ uống có cồn này.
Báo cáo có đoạn: "Đội chủ nhà Brazil có thể giành được chức vô địch lần thứ sáu ngay trên quê hương vào mùa Hè này. Tuy nhiên, bất cứ quốc gia nào nâng cao cúp vàng vào ngày 13/7 tới thì kẻ thắng cuộc thực sự vẫn là các hãng sản xuất bia rượu."
Hiện nay, rượu, bia và các đồ uống chứa cồn đã trở thành một nét văn hóa được gắn liền với bóng đá. Trong thời gian diễn ra World Cup, hàng trăm triệu thanh niên sẽ tiếp xúc với các quảng cáo và tiếp thị liên quan đến bia rượu.
Cũng theo báo cáo trên, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) có một lịch sử lâu dài về việc bảo vệ lợi ích tài chính của những đối tác thương mại, trong đó có hãng sản xuất bia Budweiser - nhà tài trợ chính thức của giải đấu, bằng cách áp đặt các điều kiện khắt khe đối với các chính phủ trên khắp thế giới.
Những điều kiện này bao gồm việc miễn thuế đối với bất kỳ lợi nhuận nào mà đối tác thương mại thu được trong kỳ World Cup, cũng như ép chính phủ cho phép người hâm mộ uống bia tại các sân vận động trong thời gian giải đấu diễn ra, đồng thời phá bỏ luật cấm uống rượu bia lâu nay ở địa phương nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực nơi đông người.
Đặc biệt, quyền lực mạnh mẽ của FIFA thậm chí còn khiến Qatar, một quốc gia Hồi giáo với những quy định hà khắc liên quan đến việc uống bia rượu, cũng phải đồng ý bán đồ uống có cồn cho người hâm mộ vào World Cup 2022.
Tuy nhiên, bài báo cũng lưu ý rằng năm 1991, Pháp từng cấm các quảng cáo thể thao và tài trợ bởi các công ty sản xuất đồ uống. Bất chấp cảnh báo về một thảm họa của những hãng sản bia rượu, các sự kiện thể thao tại Pháp vẫn diễn ra và thậm chí còn thu hút nhiều nhà tài trợ mới./.