Các khu vực khác của thế giới đang bỏ xa châu Âu trong lĩnh vực AI

Theo tờ Die Welt (Đức), một báo cáo mới đây cho thấy Liên minh châu Âu đang thất bại trong việc huy động vốn đầu tư cho các công nghệ của tương lai.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo tờ Die Welt (Đức), trong lĩnh vực phát triển Trí tuệ Nhân tạo (AI), Liên minh châu Âu (EU) có tầm nhìn lớn và muốn thúc đẩy thông qua việc ban hành các hướng dẫn và quy định.

Tuy nhiên, một báo cáo mới đây cho thấy EU đang thất bại trong việc huy động vốn đầu tư cho các công nghệ của tương lai.

Mùa Đông năm 2018, EU công bố "Kế hoạch phối hợp của EU về AI." Đây là kế hoạch đầu tiên của EU về lĩnh vực phát triển AI. Trong kế hoạch, Ủy ban châu Âu (EC) nhận định công nghệ này sẽ làm thay đổi cuộc sống của con người giống như động cơ hơi nước và điện trước đây.

Tầm quan trọng của AI dường như đã được người châu Âu nhận ra từ rất lâu trước khi phần mềm ChatGPT ra mắt. Nhưng theo dữ liệu mới nhất, các khu vực khác của thế giới hiện đang bỏ xa châu Âu trong lĩnh vực này.

Hiện tại, nước Mỹ đang dẫn đầu thế giới về phát triển AI. EU đã cố gắng để có thể bắt kịp Mỹ, bằng cách cung cấp nguồn tài trợ và ban hành các quy định chung để tạo điều kiện cho các khoản đầu tư dễ dàng hơn ở các quốc gia trong liên minh. Tuy nhiên, những biện pháp đó chưa mang lại nhiều thành công.

Theo báo cáo mới đây của Tòa Kiểm toán châu Âu (ECA), khoảng cách giữa Mỹ với EU về AI không hề giảm, thậm chí tăng gấp đôi vào năm 2020. Thời điểm đó, EU đầu tư 10 tỷ euro (10,8 tỷ USD) vào AI.

Mùa Xuân năm 2021, EC đã công bố Kế hoạch phối hợp của EU về AI sửa đổi. Kế hoạch này tiếp tục thúc đẩy việc đầu tư cho AI từ những nhà đầu tư tư nhân và từ nhiều nguồn khác nhau của EU. Tuy nhiên, một lần nữa, kết quả thực hiện kế hoạch vẫn gây nhiều thất vọng.

Một nghiên cứu của Nghị viện châu Âu (EP) cho thấy khoảng cách giữa Mỹ và EU tiếp tục gia tăng. Năm ngoái, đầu tư cho AI ở EU và Anh cộng lại chỉ đạt 9 tỷ euro, thấp hơn khoảng 7 lần so với ở Mỹ (với tổng số tiền đầu tư lên tới gần 63 tỷ euro).

EC có nhiều ý tưởng tốt, nhiều nhóm làm việc và các kế hoạch chiến lược về AI, nhưng lại không thành công trong việc huy động các nguồn lực tài chính.

Ông Mihails Kozlovs, người phụ trách cuộc khảo sát của Tòa Kiểm toán châu Âu, cho rằng các khoản đầu tư lớn và có mục tiêu vào lĩnh vực AI sẽ là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" cho châu Âu. Trong cuộc đua giành vị trí dẫn đầu về công nghệ, người chiến thắng sẽ phải gánh chịu tất cả chi phí.

Theo ông Kozlovs, nếu EU muốn hiện thực hóa tham vọng của mình, thì EC và các quốc gia thành viên phải hợp tác tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Một lần nữa EU lại bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. EU dường như đang chậm chân so với Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đang lãng phí cơ hội một cách đáng tiếc. Trong lĩnh vực phát triển các công nghệ thân thiện với khí hậu, EU cũng đang trong tình trạng tương tự.

Năm ngoái, Trung Quốc đầu tư gần 500 tỷ euro vào lĩnh vực này, châu Âu đầu tư 165 tỷ euro và Mỹ là 130 tỷ euro. Nhưng xét theo bình quân đầu người, Mỹ đứng vị trí đầu tiên, tiếp theo là Nhật Bản. EU chỉ đứng ở vị trí thứ 3. Trong hai lĩnh vực chính là chuyển đổi xanh và số hóa, châu Âu đang gặp khó khăn trong việc theo kịp các đối thủ cạnh tranh.

Hội đồng châu Âu mới đây đã thông qua hiệp ước toàn cầu đầu tiên mang tính ràng buộc về mặt pháp lý liên quan các quy định quản lý việc sử dụng AI.

Hội đồng châu Âu cho biết Công ước khung về AI đặt ra khung pháp lý đối với tất cả các giai đoạn trong quá trình phát triển và sử dụng những hệ thống AI, đồng thời giải quyết những rủi ro tiềm ẩn của AI và thúc đẩy sự đổi mới công nghệ một cách có trách nhiệm. Tuyên bố nhấn mạnh rằng các quốc gia ngoài EU cũng có thể tham gia hiệp ước này.

Hiệp ước nói trên đã được thông qua tại hội nghị thường niên của Ủy ban Bộ trưởng Hội đồng châu Âu, với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao của 46 quốc gia thành viên.

Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Marija Pejcinovic cho biết Công ước khung về AI là hiệp ước toàn cầu đầu tiên đảm bảo rằng AI được sử dụng một cách có trách nhiệm, tuân thủ các quy định luật pháp và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Gian hàng của Tập đoàn sản xuất robot Hàn Quốc Mand.ro tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2024 ở Las Vegas (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Hội đồng châu Âu, hiệp ước này yêu cầu các bên đảm bảo rằng hệ thống AI không được sử dụng để làm suy yếu các thể chế. Các yêu cầu về tính minh bạch và giám sát sẽ bao gồm việc xác định nội dung do AI tạo ra cho người dùng.

Công ước này là kết quả 2 năm làm việc của một cơ quan liên chính phủ, quy tụ 46 quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu, EU và 11 quốc gia không phải thành viên EU - trong đó có Mỹ, cũng như đại diện của giới học giả.

Theo dự kiến, Công ước khung về AI sẽ được ký kết tại một hội nghị của các bộ trưởng tư pháp EU ở thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 9/2024.

Hồi tháng 3/2024, Nghị viện châu Âu đã thông qua những quy tắc quản lý việc sử dụng AI, đặc biệt là các hệ thống AI đang thịnh hành như ChatGPT của công ty OpenAI./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục