Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã mang đến rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ngành ngân hàng, tuy nhiên, đây cũng là những thách thức không nhỏ đối với lĩnh vực này.
Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh các ngân hàng châu Á (The Asean Banker Summit 2016) vừa diễn ra tại Hà Nội, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia nước ngoài về vấn đề này.
Ông Emmanuel Daniel, Chủ tịch Công ty Tài chính Quốc tế T.A.B International PTE LTD: Cơ sở hạ tầng tốt
Khi Việt Nam gia nhập TPP, đã có rất nhiều bài học được rút ra từ các thỏa thuận đa phương được thực hiện trong 30 năm qua, đặc biệt là về khả năng hấp thụ vốn nước ngoài.
Hiện nay, đồng Việt Nam đã ổn định, dòng chảy thương mại trở nên quan trọng hơn và vai trò của Việt Nam dù trong điều kiện là đất nước tiêu thụ hay đất nước sản xuất vẫn tiếp tục phát triển.
Các ngân hàng ở Việt Nam có cơ sở hạ tầng khá tốt như công nghệ tài chính, công nghệ di động và công nghệ 5G.
Tất cả tạo cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam tiếp cận và xây dựng khả năng tiếp cận đến các khách hàng cuối cùng của nền kinh tế theo cách mà trong quá khứ không thể làm được. Và mặt khác hệ thống bán buôn có thể kết nối và trở thành một phần của môi trường quốc tế.
Điều này rất quan trọng bởi vì Việt Nam có rất nhiều áp lực để mở cửa nền kinh tế và trở thành một phần của nền kinh tế khu vực vì hiện tượng khu vực hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ.
Ông Jens Ruebbert, Tổng giám đốc Ngân hàng Deutsche Bank: Phải có cơ chế quản lý rủi ro vững chắc
Với sự tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế (AEC, VN-EU FTA, TPP), Việt Nam cần thiết lập một cơ sở pháp lý và hành chính tương ứng để có thể tuân thủ những các cam kết đó. Ngoài ra, sự tăng tốc sắp tới trong việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cải cách lĩnh vực ngân hàng cũng như những cải cách trong hệ thống giáo dục chắc chắn sẽ hỗ trợ nhiều cho sự phát triển của Việt Nam ở những lĩnh vực này.
Mặc dù vậy thì Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc cải cách và hiện đại hoá nền kinh tế. Với mức tăng trưởng GDP bền vững, lạm phát thấp, tiền tệ và lãi suất tương đối ổn định, Việt Nam đã tạo nên một nền tảng tốt để thu hút dồi dào các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, chúng ta cũng thấy rằng Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Việc thành lập VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) là một bước đi đúng đắn để xử lý vấn đề nợ xấu.
Đây là những tín hiệu rất tích cực, nhưng đó vẫn là một con đường rất dài phía trước. Các ngân hàng phải có nền tảng tài chính lành mạnh và có cơ chế quản lý rủi ro vững chắc để khắc phục các biến động theo chu kỳ của thị trường và để phục vụ tốt cho nền kinh tế trong nước.
Vì vậy, tôi có thể nói rằng quá trình hợp nhất cũng cần phải có một đội ngũ các ngân hàng có mức vốn mạnh tốt và có một khuôn khổ quản lý rủi ro vững chắc. Việt Nam sắp tới sẽ thực hiện Basel II, vì vậy đất nước đang tiến lên phía trước với một tốc độ khác hơn so với các thị trường quốc tế khác./.