Các nghị sỹ Dân chủ chỉ trích quyết định cách chức Bộ trưởng Tư pháp

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cách chức Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, 71 tuổi, nhiều nghị sỹ Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích quyết định này.
Các nghị sỹ Dân chủ chỉ trích quyết định cách chức Bộ trưởng Tư pháp ảnh 1Ông Jeff Sessions (trái) tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trước Tổng thống Donald Trump (thứ hai, phải) và Phó Tổng thống Mike Pence (phải) tại Washington, DC., ngày 9/2/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cách chức Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, 71 tuổi, nhiều nghị sỹ Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích quyết định này, lo ngại tiến trình làm rõ nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 có thể bị trì hoãn.

Trong một tuyên bố đăng tải trên Twitter ngày 7/11, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định việc sa thải ông Sessions là "âm mưu" nhằm cản trở cuộc điều tra trên.

Bà Pelosi đồng thời hối thúc ông Matthew G. Whitaker, người vừa được Tổng thống Trump bổ nhiệm giữ chức quyền Bộ trưởng Tư pháp, đứng ngoài cuộc điều tra của công công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Mark Warner, thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nêu rõ không ai được phép hành động trên cả luật pháp và mọi nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm cản trở, can thiệp vào cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller là sự lạm quyền "trắng trợn."

[Bộ trưởng Tư pháp Mỹ từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Trump]

Với ngôn từ mạnh mẽ hơn, Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Jerry Nadler, người nhiều khả năng đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, nhấn mạnh việc cách chức Bộ trưởng Tư pháp Sessions cho thấy hiện là thời điểm nguy hiểm về mặt hiến pháp đối với nước Mỹ và Tổng thống Trump.

Ông Sessions là một trong những Thượng nghị sỹ Mỹ đầu tiên ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016 của tỷ phú Trump và có cùng quan điểm cứng rắn trong vấn đề di cư.

Sự ra đi của ông đã được dự báo từ đầu năm nay sau khi ông không ít lần bị Tổng thống Trump chỉ trích, thậm chí là kỳ thị, do "làm ngơ" cuộc điều tra của công tố viên Mueller.

Việc cách chức Bộ trưởng Tư pháp Sessions dường như báo hiệu những động thái tương tự tiếp theo của ông chủ Nhà Trắng.

Phát biểu tại họp báo ở Nhà Trắng ngày 7/11 sau khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ kết thúc, Tổng thống Trump cảnh báo: "Tôi có thể sa thải ông Mueller. Tôi có thể sa thải tất cả mọi người ngay bây giờ, nhưng tôi không muốn ngăn chặn cuộc điều tra bởi vì trên phương diện chính trị, tôi không thích điều này."

Ông cũng một lần nữa chỉ trích cuộc điều tra về nghi vấn có sự thông đồng giữa các êkíp tranh cử của ông với Nga, coi đó là một "trò lừa đảo."

Cho đến nay, Nga luôn bác bỏ mọi sự liên quan đến nghi vấn trên.

Sau khi nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ vào đầu năm 2017, ông Sessions, cựu Thượng nghị sỹ, công tố viên bang Alabama, đã thực thi nhiều chính sách cứng rắn của chính quyền, trong đó phải kể đến sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân tại những nước đa phần là người Hồi giáo.

Ông cũng thúc đẩy kiện toàn lực lượng thực thi pháp luật liên bang, tòa án với những nhân vật theo đường lối bảo thủ và mạnh tay trừng trị các tổ chức tội phạm đến từ Trung Mỹ.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa ông và Tổng thống Trump trở nên lạnh nhạt từ tháng 3/2017 khi ông trao quyền giám sát cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ cho Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein.

Sau khi Tổng thống Trump sa thải Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey, ông Rosenstein đã có quyết định khiến chính quyền Trump "sốc" khi chỉ định ông Mueller, cựu lãnh đạo FBI, đảm nhận vị trí công tố viên độc lập trong cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ.

Giới phân tích nhận định những bước đi trên đã bảo vệ cuộc điều tra của ông Mueller khỏi nỗ lực can thiệp từ bên ngoài.

Tuy nhiên, "lá chắn" này nhiều khả năng bị lung lay do quyền Bộ trưởng Tư pháp Whitaker đã nhiều lần công khai chỉ trích cuộc điều tra. Hồi tháng Tám năm ngoái, quan chức này đã hối thúc Thứ trưởng Rosenstein có hành động "khoanh vùng" phạm vi cuộc điều tra của công tố viên Mueller.

Giờ đây, với vai trò là quyền Bộ trưởng Tư pháp, ông Whitaker đã có quyền lực trong tay để giám sát cuộc điều tra và trực tiếp can dự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.