Các nhà lãnh đạo Mekong-Lan Thương cam kết hợp tác kinh tế

Các nhà lãnh đạo MLC cam kết hợp tác kinh tế và phát triển xuyên biên giới giữa các quốc gia trong khu vực, thông qua thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Các nhà lãnh đạo Mekong-Lan Thương cam kết hợp tác kinh tế ảnh 1Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 24/8, hội nghị các nhà lãnh đạo Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ ba đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm cùng thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của MLC.

Cuộc họp do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì, với sự tham dự của tất cả các nguyên thủ quốc gia - người đứng đầu chính phủ các nước thành viên MLC.

Tuyên bố của đồng Chủ tịch hội nghị được đưa ra sau cuộc họp cho biết các nhà lãnh đạo MLC đã công nhận MLC là một cơ chế hợp tác tiểu vùng mới với sự tham vấn sâu rộng, cùng đóng góp chung và chia sẻ lợi ích giữa sáu quốc gia thành viên, cam kết hợp tác kinh tế và phát triển xuyên biên giới giữa các quốc gia trong khu vực, thông qua thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng sáng kiến Hành lang Thương mại Biển-Đất liền Quốc tế mới sẽ hiện thực hóa mối quan hệ đa chiều giữa Đông Nam Á và Âu-Á thông qua khu vực phía Tây của Trung Quốc, hướng tới mục tiêu trở thành một hành lang thương mại quốc tế toàn diện, tích hợp các liên kết sản xuất khu vực và chuỗi cung ứng, thông qua kết nối đường bộ và đường biển, thuận lợi hóa thông quan.

[Hội nghị Cấp cao Mekong-Lan Thương lần ba: Tăng cường quan hệ đối tác]

Các nhà lãnh đạo đã thừa nhận tầm quan trọng của việc hợp tác chung trong MLC và Hành lang Thương mại Biển-Đất liền Quốc tế mới nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước Mekong-Lan Thương, thúc đẩy thương mại thông suốt và đầu tư bền vững, nâng cao trình độ của chuỗi cung ứng và công nghiệp trong khu vực, và xây dựng một nền kinh tế tiểu vùng mạnh mẽ, bao trùm, bền vững và cạnh tranh; thừa nhận các cơ hội để xây dựng đòn bẩy giữa các chiến lược phát triển quốc gia của các quốc gia tành viên MLC, đặc biệt là trong phát triển và kết nối cơ sở hạ tầng, và Hành lang Thương mại Quốc tế Biển-Đất liền nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và tăng cường kết nối và phát triển giữa các quốc gia thành viên, tiểu khu vực MLC và hơn thế nữa.

Tuyên bố cho biết các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác về kết nối, thương mại, đầu tư và năng lực sản xuất, bằng cách tăng cường thuận lợi hóa thương mại, tiếp tục khai thác các cơ sở kết nối trên bộ và trên biển, thực hiện nhiều hình thức hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư đồng thời xây dựng nguồn cung khu vực bền vững và linh hoạt hơn cũng như là chuỗi công nghiệp nhằm thúc đẩy sinh kế chất lượng cao và phát triển bền vững của khu vực Mekong-Lan Thương.

Các nước thành viên MLC sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, phát triển nguồn nhân lực cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) để đối phó hiệu quả với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thúc đẩy việc làm, tiếp tục sản xuất và phục hồi kinh tế.

Các nhà lãnh đạo cũng cam kết làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa các nước Mekong-Lan Thương trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp của MLC và Hành lang Thương mại Biển-Đất liền Quốc tế mới nhằm hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục