Các nhà lãnh đạo NATO bàn về quan hệ với Nga và vấn đề Brexit

Các nhà lãnh đạo NATO đã có các cuộc gặp tại thủ đô Warsaw của Ba Lan bên lề hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này để thảo luận về vấn đề Brexit và mối quan hệ với Nga.
Các nhà lãnh đạo NATO bàn về quan hệ với Nga và vấn đề Brexit ảnh 1Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: EPA/TTXVN))

Ngày 8/7, các nhà lãnh đạo trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có các cuộc gặp tại thủ đô Warsaw của Ba Lan bên lề hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này, với chủ đề thảo luận chính là vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, và mối quan hệ với Nga.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Phát biểu sau cuộc gặp, ông Obama cảnh báo rằng các cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn về việc Anh rời EU không có lợi cho bất cứ ai. Ông nhấn mạnh mặc dù Brexit gây ra nhiều vấn đề, song sự hội nhập của châu Âu là hết sức quan trọng, và Mỹ mong muốn một châu Âu đoàn kết và tiếp tục thành công.

Trong bài viết đăng trên tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) của Anh nhân dịp hội nghị này, ông Obama nhấn mạnh: “Đây có thể là thời điểm quan trọng nhất đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương của chúng ta kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.”

Ông bày tỏ "tin tưởng Anh và EU sẽ có thể nhất trí về một sự chuyển đổi có trật tự sang một mối quan hệ mới."

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo chung với ông Obama, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố EU sẽ không theo đuổi lập trường "thù địch" trong các cuộc đàm phán với Anh về Brexit.

Liên quan vấn đề trên, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng Brexit chắc chắn sẽ thay đổi quan hệ của Anh với EU, nhưng “sẽ không làm thay đổi vị trí hàng đầu của Anh trong NATO.”

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Ba Lan, Tổng thống Obama có khả năng sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Anh David Cameron.

Theo kế hoạch, Hội nghị khai mạc ngày 8/7 và kéo dài 2 ngày, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên NATO.

Dự kiến tại hội nghị, NATO sẽ thông qua quyết định cuối cùng tại Hội nghị thượng đỉnh ở Ba Lan về kế hoạch tăng cường sườn phía Đông của liên minh, bao gồm việc triển khai 4 tiểu đoàn tại Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan. Nga đã thể hiện phản đối động thái này của NATO.

Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nêu rõ NATO sẽ tìm kiếm đối thoại mang tính xây dựng với Nga và không muốn tái diễn Chiến tranh Lạnh.

Điện Kremlin ngày 8/7 cũng khẳng định Nga vẫn mở cửa đối thoại với NATO và sẵn sàng hợp tác với khối này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.