Bộ Y tế Ecuador ngày 9/4 thông báo ghi nhận tổng số 4.965 ca mắc bệnh COVID-19 sau khi thêm 515 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua. Số ca tử vong tăng 30 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 272 người.
Bộ trưởng Nội vụ nước này Maria Paula Romo tuyên bố cần tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế dịch bệnh, đồng thời nhấn mạnh người dân không được phép tập trung đông người để chuẩn bị cho Tuần lễ Thánh vào cuối tuần này.
Tại Chile, Bộ Y tế cùng ngày cho biết ghi nhận thêm 426 ca mới, nâng tổng số lên 5.972 ca, và 9 ca tử vong mới, nâng tổng số lên 57 ca. Tất cả các ca tử vong mới này đều là người cao tuổi và đã có bệnh nền. Ngày 9/4, Chile đã tăng cường các biện pháp phong tỏa tại các thành phố lớn nhằm ngăn chặn người dân đi du lịch biển vào dịp Tuần lễ Thánh sắp tới. Chính phủ Chile cũng bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng từ ngày 8/4.
Còn tại Mexico City, Bộ Y tế Mexico ngày 9/4 thông báo trong 24 giờ qua đã tăng thêm 260 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.441 ca, trong đó có 194 ca tử vong với tỉ lệ 5,64%. Ngoài ra, còn có 10.105 người nghi ngờ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó còn có 108 công dân Mexico tại Mỹ đã tử vong do COVID-19. Tính từ thời điểm xác định ca bệnh đầu tiên vào ngày 28/2 đến nay, Mexico đã tiến hành hơn 17.000 xét nghiệm.
Nếu tính theo phương pháp giám sát dịch tễ học Sentinel đưa ra vào năm 2006 do Mỹ, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát triển, số ca mắc bệnh tại Mexico có thể lên đến 28.216 ca. Theo cơ quan chức năng Mexico, mô hình này cho phép đánh giá sự lây lan của dịch của dịch bệnh và qua đó đưa ra các quyết định kiểm soát và phòng ngừa theo thực tế tình hình diễn biến dịch.
Nhằm đảm bảo công tác phòng-chống dịch bệnh, Chính phủ Mexico đang gấp rút tăng cường số giường bệnh điều trị và đã ký hợp đồng mua vật tư, trang thiết bị y tế từ Trung Quốc trị giá 56,5 triệu USD. Bộ Y tế Mexico dự báo dịch bệnh COVID-19 sẽ bước sang giai đoạn 3 (cấp độ đại dịch) trong vòng 2 tuần tới. Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng, cơ quan chức năng kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội, tránh ra đường khi không thật sự cần thiết.
[Việt Nam kêu gọi ưu tiên hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19]
Cơ quan y tế Panama ngày 9/4 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 224 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 2.752 ca, trong đó có 66 ca tử vong. Panama xác nhận các ca đầu tiên mắc bệnh hôm 10/3. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh và phức tạp, Chính phủ Panama đã ban bố lệnh cách ly trên toàn quốc.
Tại Brazil, giới chức nước này ngày 9/4 xác nhận các ca tử vong đầu tiên tại các khu ổ chuột ở Rio de Janeiro, nơi nghèo đói, đông đúc và kém vệ sinh làm tăng quan ngại về một thảm họa có thể xảy ra. Cơ quan y tế Rio de Janeiro cho biết có 6 ca tử vong tại 4 khu ổ chuột ở các khu vực khác nhau của thành phố. Các khu ổ chuột ở Rio de Janeiro là nơi ở của 1,5 triệu dân, chiếm 1/4 dân số thành phố. Các biện pháp kiềm chế dịch bệnh như rửa tay và giãn cách xã hội sẽ là một thách thức lớn tại đây. Nhiều gia đình không có nước sinh hoạt, trong khi nhiều người không có tiền tiết kiệm và không có cách nào kiếm sống nếu họ ở nhà.
Brazil hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh tại Mỹ Latinh với 800 ca tử vong cho đến nay, trong đó 73 ca ở Rio de Janeiro.
Tại Mỹ, khoảng 450 tù nhân và nhân viên tại nhà tù lớn nhất thành phố Chicago Cook County có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là một trong những đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất tại một địa điểm ở Mỹ và cũng là đợt bùng phát dịch mới nhất tại các nhà tù, nơi các tù nhân thường sống ở các khu vực gần nhau.
Hiện lực lượng an ninh và chuyên gia y tế đang nỗ lực kiềm chế dịch bệnh lây lan. Các biện pháp bao gồm thiết lập một cơ sở cách ly và chăm sóc sức khỏe cho tù nhân gồm 500 giường bệnh, chuyển tù nhân từ phòng giam đôi sang phòng đơn và lập một địa điểm xét nghiệm tại nhà tù. Các nhân viên ở tuyến đầu sẽ được kiểm tra thân nhiệt trước khi bắt đầu vào ca làm việc và được cấp thiết bị bảo hộ nếu tiếp xúc với các tù nhân./.