Các nước Đông Nam Á đối diện với sự lựa chọn khó khăn

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng Tám của nhiều nước Đông Nam Á tiếp tục ở dưới mức 50 điểm, được coi là ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và sụt giảm.
Các nước Đông Nam Á đối diện với sự lựa chọn khó khăn ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Nhật báo kinh tế Trung Quốc, dịch bệnh do biến thể Delta gây nên hoành hành khắp Đông Nam Á, ngành sản xuất của các nước rơi vào trạng thái thu hẹp.

Việc chuỗi cung ứng Đông Nam Á tiếp tục đứt gãy đã khiến cho các thị trường buộc phải nhượng bộ. Vấn đề xuất hiện dồn dập đã đặt các nước Đông Nam Á vào trong tình thế đối diện với sự lựa chọn khó khăn.

Theo số liệu do tổ chức nghiên cứu thị trường IHS Markit vừa công bố, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng Tám của nhiều nước Đông Nam Á tiếp tục ở dưới mức 50 điểm, được coi là ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và sụt giảm.

Nền kinh tế các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh có thể gây nên tác động trung hạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu tốc độ tiêm vaccine không theo kịp, dịch bệnh có thể sẽ gây ra một loạt tác động kinh tế trong trung và dài hạn.

Trong tháng Tám vừa, chỉ số PMI ngành sản xuất của các nước như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam… đều giảm so với tháng trước đó. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Thái Lan giảm từ 48,7 xuống 48,3 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số PMI ngành sản xuất của Philippines giảm từ 50,4 xuống còn 46,4 điểm, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Khu vực châu Á là trung tâm của ngành sản xuất toàn cầu, các ngành sản xuất giày dép và hàng may mặc và chip lần lượt rơi vào trạng thái nguy cấp dưới sự tấn công của làn sóng dịch bệnh mới.

[ASEAN cùng đối tác nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch]

Ở Malaysia, hầu hết các nhà sản xuất phải giảm sản lượng, Chính phủ Malaysia yêu cầu các công ty chỉ có thể sử dụng 60% lao động phục vụ sản xuất để phòng chống dịch bệnh.

Do nguồn cung bán dẫn không đủ, các công ty sản xuất ôtô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm sản lượng trong thời kỳ thiếu hụt chất bán dẫn, các nhà sản xuất ô tô và điện tử trên toàn cầu đã đóng cửa nhiều dây chuyền sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ.

Để tránh tình trạng tắc nghẽn cảng, một số nhà sản xuất thử nghiệm vận chuyển phần lớn hàng hóa may mặc bằng đường không, và điều này có thể mang lại cơ hội cho các thương hiệu ít phụ thuộc vào chuỗi cung ứng châu Á.

Chẳng hạn, Inditex - công ty mẹ của Zara, nhà bán lẻ thời trang của châu Âu - chủ yếu mua hàng từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Morocco.

Ngoài ra, nếu khách hàng không thể mua được áo quần theo ý muốn ở những cửa hàng quen thuộc, thì những nhà bán hàng “secondhand” (hàng đã qua sử dụng) cũng có thể hưởng lợi từ sự thiếu hụt nguồn cung của toàn ngành. Những nhà kinh doanh đồ cũ ít bị ảnh hưởng bởi ngành vận tải quốc tế, họ thường chỉ phải xử lý dịch vụ hậu cần trong nước.

Trái ngược với bức tranh “u ám” của Đông Nam Á là gam màu tươi sáng của ngành sản xuất Mỹ. Theo số liệu do Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) công bố, chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng Tám đã tăng lên 59,9 từ mức 59,5 điểm của tháng Bảy.

Dữ liệu tháng 8/2021 cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ được mở rộng mạnh mẽ, 4/5 chỉ số tạo nên PMI tổng thể cao hơn ngưỡng 50 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này cũng phản ánh tốc độ mở rộng của ngành sản xuất đã chậm lại sau khi đạt đỉnh 40 năm vào tháng Ba.

Các nhà máy của Đông Nam Á đóng cửa, chi phí vận tải tăng phi mã, một số linh kiện thiếu hụt đã làm cho tình hình chuỗi cung ứng toàn cầu bi đát hơn, đồng thời ảnh hưởng đến triển vọng lạm phát toàn cầu.

Vấn đề chuỗi cung ứng gián đoạn do dịch COVID-19 gây nên tiếp tục gia tăng sức ép lên giá cả, dự báo mới nhất được Nhà Trắng công bố đã nâng gấp đôi kỳ vọng lạm phát trong năm.

Khoảng 28% sản phẩm của công ty giày Adidas (Đức) được sản xuất ở Việt Nam. Vào đầu tháng Tám, công ty này cho biết kể từ giữa tháng Tám hầu hết các nhà máy cung ứng của hãng tại Việt Nam vẫn chưa thể hoạt động. Đồng thời, Adidas cũng cho rằng nguồn cung gián đoạn đồng nghĩa với việc công ty sẽ cân nhắc điều chỉnh tăng giá.

Theo Văn phòng quản lý và ngân sách Mỹ, dự kiến giá tiêu dùng trong quý 4/2021 sẽ tăng 4,8% so với cùng kỳ, cao hơn 2% so với mức dự báo được chính phủ đưa ra vào hồi tháng Năm.

Cùng với mùa bán hàng Giáng Sinh đang đến gần, việc bảo đảm chuỗi cung ứng thông suốt đã trở thành mối quan tâm của các nhà lãnh đạo Mỹ. Trong chuyến công du hai ngày tới Singapore, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tuyên bố Mỹ cần tăng cường quan hệ kinh tế với Đông Nam Á, nhấn mạnh cần phải hợp tác với các nước để giảm thiểu những ảnh hưởng gây nên đối với chuỗi cung ứng.

Trong chuyến thăm Singapore, bà Harris nói rằng đã thảo luận sâu rộng vấn đề chuỗi cung ứng với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc hội đàm. Ngoài ra, bà Harris còn thảo luận với giới lãnh đạo doanh nghiệp Singapore làm thế nào để xem sự phục hồi kinh tế từ dịch bệnh là một cơ hội, tăng cường sức bền chuỗi cung ứng giữa Mỹ và khu vực Đông Nam Á.

Vấn đề thiếu vaccine vẫn đang tồn tại ở nhiều quốc gia Đông Nam Á. Nếu các nước châu Á muốn bảo vệ chuỗi cung ứng và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, nhưng không thể đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine, rủi ro xảy ra là dịch bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng hơn. Tình trạng người lao động cách ly ở nhà và không sẵn sàng làm việc sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực, hệ quả là các vấn đề của chuỗi cung ứng sẽ tồi tệ hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục