Các nước thuộc Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) đã quyết tâm hợp tác ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh literiosis do nhiễm vi khuẩn listeria. Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Nam Phi Aaron Motsoaledi đưa ra ngày 15/3 bên lề hội nghị bộ trưởng y tế các nước miền Nam châu Phi tại Johannesburg, trong bối cảnh dịch bệnh literiosis bùng phát tại Nam Phi từ năm ngoái khiến nhiều người thiệt mạng.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Motsoaledi kêu gọi các nước trong khu vực cùng tìm cách ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh literiosis, theo đó khuyến cáo chính phủ các nước cần sát sao trong việc thu hồi sản phẩm thịt nhiễm khuẩn.
Theo ông, để tránh sự lây lan vi khuẩn listeria, các nước cần tuân thủ nghiêm ngặt việc thu hồi thịt nhiễm khuẩn và các công ty chế biến thực phẩm chịu trách nhiệm về việc này.
[Bộ Y tế Namibia phát hiện ca nhiễm vi khuẩn Listeria đầu tiên]
Số thịt nhiễm khuẩn listeria sau khi thu hồi sẽ được xử lý tại Nam Phi theo đúng quy trình khoa học. Tất cả các bộ trưởng 15 nước SADC đã nhất trí với đề xuất này.
Ông Motsoaledi khuyến cáo người dân các nước không nên tự xử lý hoặc tiêu hủy thịt nhiễm khuẩn để tránh lây nhiễm vi khuẩn.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi cho biết thêm các nước SADC cũng nhất trí siết chặt kiểm soát khu vực biên giới nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu thịt từ Nam Phi sang các nước khác.
Trong cuộc họp báo, ông Motsoaledi đồng thời kêu gọi Ban thư ký SADC thúc đẩy việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong các nước thành viên, đồng thời yêu cầu sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng các tổ chức quốc tế khác trong vấn đề này.
Theo WHO, tình trạng bùng phát bệnh literiosis tại Nam Phi được đánh giá là quy mô lớn nhất thế giới từ trước đến nay, với 940 ca nhiễm bệnh trong hơn 1 năm qua, trong số này 180 người đã tử vong.
Các chuyên gia y tế Nam Phi đã phát hiện vi khuẩn Listeria trong một số thực phẩm của nhà máy chế biến thực phẩm Enterprise Food ở Polokwane, thủ phủ của tỉnh Limpopo nằm ở phía Bắc nước này.
Sản phẩm từ hai cơ sở chế biến thực phẩm khác của Enterprise Food ở gần thành phố Johannesburg và tỉnh Free State cũng được cho là đã nhiễm vi khuẩn listeria.
Sự việc này đã buộc các siêu thị Nam Phi thu hồi các sản phẩm thịt của hãng Enterprise Food, đồng thời kéo theo việc nhiều nước châu Phi cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt của nước này.
Vi khuẩn listeria thường có trong các sản phẩm sữa chua được khử trùng, phomát mềm, thịt nguội, rau quả, hải sản xông khói và đóng hộp. Vi khuẩn này không gây bệnh ở hầu hết mọi người, song có thể gây bệnh cho những người có hệ miễn dịch yếu hơn như người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh. Những người bị nhiễm khuẩn thường có triệu chứng giống bệnh cúm, buồn nôn, tiêu chảy, nhiễm trùng máu và bị viêm não.
Thống kê cho thấy khoảng 20% bệnh nhân nhiễm khuẩn sẽ dẫn đến tử vong. Theo Cơ quan thống kê Nam Phi, xuất khẩu thực phẩm của nước này trong năm 2016 đạt doanh thu 9 tỷ USD, chiếm tới 12% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này./.