Các quốc gia nghèo nhất thế giới cho biết họ sẽ tiếp tục thúc đẩy để các cuộc đàm phán sắp tới của Liên hợp quốc về vấn đề khí hậu đưa ra các đề xuất gây quỹ bù đắp thiệt hại cho các quốc gia dễ tổn thương do biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp ở thủ đô Dakar của Senegal ngày 14/9, các bộ trưởng và chuyên gia của 46 quốc gia thuộc khối Các nước kém phát triển nhất (LDC) nêu rõ đất nước của họ mặc dù ít phải chịu trách nhiệm nhất về phát thải khí carbon - yếu tố gây biến đổi khí hậu - nhưng được dự báo sẽ chịu nhiều tác động nhất do vấn đề này.
Trong tuyên bố đưa ra cuối ngày 14/9, các bộ trưởng và các chuyên gia của khối LDC nhấn mạnh rằng việc thiết lập một cơ chế bù đắp cho những mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra là yếu tố "quan trọng cốt lõi."
[Chủ tịch COP27 kêu gọi tăng cường phối hợp ứng phó biến đổi khí hậu]
Họ cũng nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên, đặc biệt là các quốc gia phát thải lớn, giảm nhanh và giảm sâu lượng khí thải carbon, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế giàu có thực hiện các cam kết trước đây về viện trợ khí hậu.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Môi trường Senegal, ông Abdou Karim Sall, nhấn mạnh rằng các quốc gia đang phải tự mình chống chọi với những thiệt hại do biến đổi khí hậu. Do đó, điều cần thiết là phải thành lập một quỹ để khắc phục những thiệt hại và mất mát, đặc biệt là dành cho các quốc gia kém phát triển nhất.
Khối LDC, chủ yếu gồm các quốc gia châu Phi và châu Á, đang tích cực vận động kêu gọi bù đắp cho các nước dễ tổn thương đang chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra chẳng hạn như lũ lụt và nước biển dâng. Khối này mong muốn các cuộc đàm phán sắp tới sẽ thiết lập một cơ chế để cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính.
Ngay sau cuộc họp của các đại diện LDC tại Dakar, dự kiến các cuộc thảo luận của các bộ trưởng môi trường châu Phi diễn ra ngày 15/9, trong đó có sự tham dự của đặc phái viên Mỹ về khí hậu, ông John Kerry.
Tiếp đến, từ ngày 6-18/11 tới sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh của Ai Cập.
Các hội nghị hằng năm thường bị chi phối bởi những tranh luận gay gắt về các cam kết của các quốc gia liên quan việc hạn chế phát thải và vấn đề tài chính.
Trước đây, các quốc gia giàu cam kết đóng góp hàng tỷ USD để giúp các quốc gia nghèo hơn hạn chế phát thải carbon và tạo dựng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu./.