Ngày 1/8, Chính phủ El Salvador thông báo nước này sẽ cấm nhập khẩu tất cả sản phẩm thịt lợn trong bối cảnh các ổ dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Cộng hòa Dominicana có nguy cơ lan rộng tại khu vực Trung Mỹ và Caribe.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Nông nghiệp và Gia súc El Salvador David Martinez đã kêu gọi người dân nước này chuyển sang tiêu thụ gia súc được nuôi và chế biến trong nước.
Theo Hiệp hội các nhà chế biến thịt lợn El Salvador, các nhà sản xuất địa phương hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trên cả nước.
Hồi tuần trước, các nhà chức trách Cộng hòa Dominicana đã phát hiện nhiều khu vực ở miền Trung và Tây Bắc nước này bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Đây có thể được xem là ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Tây Bán cầu trong vòng 40 năm qua.
[Philippines ban bố tình trạng thảm họa do dịch tả lợn châu Phi]
Trước tình hình này, Tổ chức quốc tế khu vực về vệ sinh nông nghiệp (ORISA) cho biết cơ quan này đang làm việc nhằm kiểm soát ổ dịch bùng phát tại Cộng hòa Dominicana, đồng thời kêu gọi Mexico và các nước láng giềng nhanh cho có biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi.
OIRSA gồm các nước thành viên Belize, Costa Rica, Cộng hòa Dominicana, El Salvador, Guatemala, Honduras, Mexico, Nicaragua, Panama.
Tổ chức này nhấn mạnh do sự lây lan nhanh và mạnh của dịch tả lợn châu Phi, các quốc gia trong khu vực cần tăng cường các biện pháp kiểm dịch gia súc tại các cửa khẩu, sân bay và biên giới.
Tả lợn châu Phi là một bệnh lây nhiễm do virus gây ra và có nguồn gốc đầu tiên từ châu Phi.
Bệnh có thể bắt gặp ở bất kỳ loài lợn nào, ở bất kỳ lứa tuổi nào của lợn với khả năng lây lan rất nhanh.
Thống kê cho thấy, lợn nhiễm bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 100%. Hiện, tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại nhiều khu vực ở châu Á, Đông Âu và châu Phi.
Hồi năm 2018, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại Trung Quốc khiến nước này buộc phải tiêu hủy hàng chục nghìn con lợn để ngăn chặn đà lây lan./.