Các 'ông lớn' ngành chip Intel và Samsung lao đao vì nhu cầu giảm mạnh

Intel đã có mức lỗ theo quý lớn nhất từ trước đến nay khi ghi nhận con số lỗ lỗ 2,8 tỷ USD trong quý 1.Trong khi đó, Samsung Electronics cũng ghi nhận khoản lỗ 746 tỷ USD /quý 1 ở mảng chíp.
Ngành chip Intel và Samsung lao đao. (Nguồn: AP)

Ngành bán dẫn vừa trải qua một quý đầu tiên của năm 2023 ảm đạm khi nhu cầu chip sụt giảm mạnh.

Intel ngày 27/4 cho biết, doanh thu giảm 36% trong quý 1 xuống 11,7 tỷ USD vì nhu cầu bán dẫn sụt giảm, nhất là các sản phẩm chip cho máy tính. Đặc biệt, “ông lớn” này còn bị lỗ 2,8 tỷ USD trong quý vừa qua, mức lỗ theo quý lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Alan Priestley, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner, cho biết Intel phụ thuộc rất nhiều vào thị trường máy tính, nên khi thị trường này chậm lại, Intel cũng sẽ gặp nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, Intel cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm trong nhu cầu đối với các loại chip dùng cho các trung tâm dữ liệu. Công ty này cũng đang cạnh tranh với Nvidia trong mảng bán dẫn hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) theo kiểu như công cụ ChatGPT. AI tạo sinh là một lĩnh vực mới cần rất nhiều sản phẩm bán dẫn.

[Hàn Quốc cam kết tích cực hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp chip]

Giá tăng, nguồn cung chip dư thừa trên toàn cầu và nhu cầu phần cứng yếu cũng ảnh hưởng tới đối thủ của Intel là Samsung Electronics, với mảng chip ghi nhận khoản lỗ 4.580 tỷ won (746 tỷ USD) trong quý 1.

Đây là lần đầu tiên “ông lớn” này bị lỗ hoạt động kinh doanh kể từ năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Khác với hai Intel và Samsung, công ty sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới là TSMC của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) lại tỏ ra vững vàng hơn với doanh thu tăng và lợi nhuận ổn định trong quý I, dù TSMC cảnh báo doanh thu có thể sụt giảm trong năm nay.

Sở dĩ TSMC có sức đề kháng tốt hơn trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện này là vì “ông lớn” này sản xuất một số loại chip thuộc dạng nhỏ và hiện đại nhất, mà nhu cầu các loại chip này vẫn đang cao trong khu nguồn cung thiếu hụt.

Ngành chip nổi bật với tính chất dễ biến động, khi cung và cầu trên thị trường này thường trồi sụt theo sự tăng giảm của nền kinh tế thế giới. Vai trò trung tâm của chip trong chuỗi cung ứng toàn cầu được thể hiện rõ nét trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19.

Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã làm gián đoạn nguồn cung chip từ châu Á, khiến cho nhu cầu chip - ở thời điểm đó đang tăng mạnh trước xu hướng làm việc, mua sắm và giải trí trực tuyến - không được đáp ứng.

Theo công ty kiểm toán Deloitte, hơn 80% hoạt động sản xuất bán dẫn đang diễn ra ở châu Á, và tỷ lệ này có thể giảm xuống còn 50% vào năm 2030, trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu đang dự định đầu tư tổng cộng 100 tỷ USD cho ngành bán dẫn để có thể tự chủ hơn trong nguồn cung sản phẩm quan trọng này./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục