Các quốc gia thành viên EU chia rẽ trong chính sách quốc phòng

Bất đồng nổi lên khi ngoại trưởng các nước EU thảo luận về kế hoạch thúc đẩy vai trò quân sự của liên minh trong bối cảnh tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bất đồng đã nổi lên khi ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thảo luận về kế hoạch thúc đẩy vai trò quân sự của liên minh trong bối cảnh xuất hiện lo ngại về việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể thay đổi sự đảm bảo về an ninh của Washington đối với EU.

Phát biểu ngày 14/11 tại cuộc họp cấp ngoại trưởng EU ở Brussels, Bỉ để thảo luận về các đề xuất, trong đó có việc thiết lập một trụ sở quân sự EU và đơn vị tham mưu, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini tuyên bố cần tăng cường an ninh vì đó là những gì mà công dân EU cần.

Bà nhấn mạnh các bộ trưởng trong EU ủng hộ "một quan hệ đối tác mạnh mẽ" với Tổng thống đắc cử Trump, song EU cũng cần phải thúc đẩy kế hoạch riêng của mình trong đó có chính sách quốc phòng.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết hy vọng các bộ trưởng sẽ nhất trí với các đề xuất và thể hiện được châu Âu có thể đưa ra quyết định quan trọng đối với an ninh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon thẳng thừng tuyên bố thay vì lên kế hoạch thiết lập một trụ sở mới đắt tiền hay "ôm mộng" về một quân đội châu Âu, những gì châu lục này cần là tăng chi tiêu quốc phòng.

Theo ông, đây là cách tiếp cận tốt nhất đối với Tổng thống đắc cử Trump.

Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, việc tỷ phú Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ đã tạo ra một "cơ hội lớn" và cần phải đợi để xem nhà lãnh đạo mới ở Mỹ thực sự muốn gì.

Ông cho rằng EU không nên hủy hoại cấu trúc an ninh cơ bản đã bảo vệ các nước trong 70 năm qua.

Các nhà ngoại giao EU cho biết việc tỷ phú Trump thắng cử tại Mỹ và việc Anh rời khỏi EU đã khiến các quan chức EU kêu gọi một cuộc cải tổ tổng thể đối với chính sách đối ngoại và quốc phòng của mình.

Đức và Pháp muốn tăng cường hội nhập hơn nữa giữa các nước trong EU vì cho rằng nếu như Mỹ không muốn gắn kết với châu Âu như trước đây nữa thì châu Âu cần phải tự lo cho vấn đề an ninh của châu lục mình.

Theo các nhà ngoại giao trên, nếu Anh - nước từ lâu đã luôn phản đối bất kỳ kế hoạch nào làm suy yếu NATO, thì 22 nước thành viên NATO thuộc 28 nước EU sẽ buộc phải tiến lên phía trước.

Trên thực tế, các nước EU vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong việc cải tổ chính sách đối ngoại và quốc phòng.

Pháp và Đức đang phối hợp với nhau nhằm tìm ra một chính sách chung đối với chính quyền của ông Trump, trong khi Anh lại đang nỗ lực để duy trì vị thế là đồng minh chính của Mỹ tại châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục