Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong hai ngày 14-15/11, Hội đồng đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Bỉ, trong đó có phiên họp hỗn hợp giữa các Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của 28 nước thành viên với chủ đề chính là thảo luận các nội dung xoay quanh kế hoạch triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh quốc phòng trong khuôn khổ Chiến lược toàn cầu về chính sách ngoại giao và an ninh của EU.
Trong phiên họp đầu tiên, các Ngoại trưởng trao đổi quan điểm về những diễn biến mới nhất diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và về quan hệ song phương và đa phương hiện nay với 6 quốc gia đối tác phương Đông gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Cộng hòa Moldova và Ukraine.
Các Ngoại trưởng cũng tiến hành trao đổi quan điểm về tương lai của chương trình Đối tác phương Đông và vạch ra mục tiêu cho năm 2017, cũng như triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh sắp tới với lãnh đạo các nước Đối tác phương Đông.
Hội đồng cũng tập trung thảo luận về tình hình Ukraine, các cuộc bầu cử mới diễn ra tại Gruzia, Cộng hòa Moldova và Belarus. Dự kiến, các Ngoại trưởng cũng sẽ đánh giá về những diễn biến mới nhất tại Syria kể từ sau phiên họp Hội đồng đối ngoại ngày 16/10 vừa qua.
Phiên họp chung giữa các Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU tập trung thảo luận các chính sách an ninh và quốc phòng được triển khai trong khuôn khổ Chiến lược toàn cầu của EU liên quan đến chính sách ngoại giao và an ninh.
Các Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU cũng đề cập tới mối quan hệ hợp tác EU-Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có nội dung thảo luận với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Các bên sẽ đưa ra đánh giá đối với các chiến dịch được triển khai trong khuôn khổ chính sách an ninh quốc phòng chung của EU, trong đó nhấn mạnh đến tình hình Libya và khu vực Địa Trung Hải.
Các bộ trưởng cũng sẽ thông tin về những nội dung liên quan đến Chiến dịch Sophia như việc đào tạo cảnh sát biển Libya, hải quân Libya, việc triển khai lực lượng ngoài khơi bờ biển Libya cũng như chính sách cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với nước này.
Trước đó, ngày 13/11, EU đã triệu tập cuộc họp ngoại trưởng khẩn cấp nhằm đưa ra thông điệp chung của EU gửi tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, các nước EU vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.
Pháp và Đức đang phối hợp với nhau nhằm tìm ra một chính sách chung đối với chính quyền của ông Trump, trong khi Anh lại đang nỗ lực để duy trì vị thế là đồng minh chính của Mỹ tại châu Âu./.