Chứng khoán châu Á không có biến động nhiều trong phiên 11/11, khi sự chú ý đang được hướng đến loạt số liệu quan trọng về kinh tế Trung Quốc mà theo đó cho thấy tình hình nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không có nhiều biến chuyển.
Sự chú ý của thị trường được tập trung vào số liệu về sản lượng công nghiệp và đầu tư cố định để xem nền kinh tế Trung Quốc liệu đã ổn định, sau khi số liệu lạm phát được công bố trước đó cho thấy sự cần thiết phải có thêm các biện pháp kích thích và nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo số liệu công bố ngày 11/11, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 10 là 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo tăng 5,8% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters và giảm so với tốc độ tăng 5,7% trong tháng Chín.
Đây là mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp thấp nhất trong sáu tháng và là con số mới nhất trong một loạt số liệu gây thất vọng được công bố trong tuần này, sau các số liệu về thương mại và lạm phát.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ tăng 11%, so với mức tăng 10,9% của tháng trước đó. Đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc tăng 10,2% trong 10 tháng (từ tháng 1 đến tháng 10/2015), giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức tăng trong ba quý 1, 2, 3.
Chốt phiên, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 0,27%, hay 9,76 điểm, hay 3.650,25 điểm, nhờ hy vọng về các biện pháp mới sẽ được thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Thị trường Nhật Bản cũng đi lên, khi triển vọng doanh số bán và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước khả quan, kết hợp với nhận định về việc tăng lãi suất tại Mỹ đã tạo lòng tin cho nhà đầu tư. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường này tăng 20,13 điểm, hay 0,1%, lên 19.691,39 điểm.
Chỉ số S&P/ASX200 của Australia tăng 23,4 điểm, hay 0,46%, lên 5.122,6 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc gần như không thay đổi so với phiên trước, khi chỉ tăng 0,68 điểm, hay 0,03%, lên 1.997,27 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,22%, hay 49,53 điểm, xuống 22.352,17 điểm./.