Các tác giả gốc Phi thống lĩnh các giải thưởng văn học trong năm 2021

Thay vì các chủ đề thường tập trung vào bạo lực, chiến tranh hay tuyển mộ lính trẻ em như trước đây, ngòi bút của các nhà văn xuất thân từ Lục địa Đen ngày nay đã đa dạng và bay bổng hơn rất nhiều.
Các tác giả gốc Phi thống lĩnh các giải thưởng văn học trong năm 2021 ảnh 1Tác giả Mohamed Mbougar Sarr và cuốn tiểu thuyết "La plus secrete memoire des hommes" đoạt giải Goncourt. (Nguồn: leparisien.fr)

Các giải thưởng văn học lớn nhất thế giới năm 2021 như Nobel, Booker hay Goncourt đều đã thuộc về các tác giả người gốc Phi.

Điều này khiến Lục địa Đen nổi lên như một trụ cột lớn trong lĩnh vực xuất bản toàn cầu, đồng thời là một khu vực có liên quan trực tiếp đến những vấn đề cấp bách trong thời đại hiện nay.

Đánh giá rằng những thành tựu của các tác giả gốc Phi trên văn đàn thế giới 2021 là thực sự nổi bật, Giáo sư Xavier Garnier thuộc trường Đại học Sorbonne ở Paris (Pháp) nhận định: "Châu Phi đang được làng văn học châu Âu quan tâm trở lại."

Các tác giả người Phi hoặc gốc Phi được nhắc đến nhiều nhất kể từ đầu năm tới nay là ông Abdulrazak Gurnah (Tanzania) - chủ nhân của giải Nobel Văn học 2021 và nhà văn Damon Galgut (Nam Phi) - đoạt giải Booker của Anh.

Trong khi đó, tác giả trẻ người Senegal - Mohamed Mbougar Sarr (31 tuổi) - đã trở thành nhà văn đầu tiên từ vùng châu Phi Nam Sahara đoạt giải Prix Goncourt - giải thưởng văn học danh tiếng nhất nước Pháp.

Ngoài những tên tuổi nêu trên, còn có nhà văn David Diop (người Pháp gốc Senegal) được tôn vinh với giải Booker International (Anh) và nhà văn người Senegal - Boubacar Boris Diop (đoạt giải Prix Neustadt - được mệnh danh là "Nobel của nước Mỹ"), trong khi giải Prix Camoes của Bồ Đào Nha đã được trao cho nhà văn Paulina Chiziane (người Mozambique).

Theo ông Garnier, những giải thưởng nói trên phản ánh thực tế rằng ngành xuất bản phương Tây cuối cùng cũng đã nhận ra "một khu vực văn học" vốn đã bùng nổ từ lâu.

Song song với những giải thưởng danh tiếng, châu Phi cũng đang ngày càng khẳng định vị thế trên văn đàn thế giới với các nhà xuất bản, liên hoan văn học... trên khắp châu lục.

[Nhà văn Abdulrazak Gurnah đoạt giải Nobel Văn học năm 2021]

Văn học châu Phi từng chứng kiến thời kỳ hoàng kim trong thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước.

Giáo sư Madhu Krishnan - người chuyên giảng dạy về văn học châu Phi tại trường Đại học Bristol của Anh - cho biết: "Các nhà văn châu Phi hiện vẫn có một lượng độc giả lớn, và điều này được khẳng định rõ hơn trong đại dịch, khi chúng tôi thấy quy mô của cộng đồng này trên các nền tảng trực tuyến."

Nếu như các chủ đề của văn học châu Phi trước đây thường chỉ tập trung vào bạo lực, chiến tranh hay tuyển mộ lính trẻ em, thì ngày nay, ngòi bút của các nhà văn xuất thân từ Lục địa Đen đã đa dạng và bay bổng hơn nhiều.

Giáo sư Krishnan cho biết: "Chúng ta có thể thấy họ ngày càng mở rộng quy mô đề tài, các tác phẩm hiện nay đề cập cả vấn đề sinh thái, hoặc chủ nghĩa vị lai của châu Phi."

Điển hình nhất có lẽ là tác phẩm đoạt giải Goncourt của Mohamed Mbougar Sarr - "La plus secrete memoire des hommes" (tạm dịch: Ký ức tuyệt mật của đàn ông) chỉ tập trung vào tôn vinh sự bay bổng của văn học.

Sarr đã được nhiều nhà phê bình đánh giá cao về việc không đi vào lối mòn văn chương châu Phi.

Ông Mongo-Mboussa bày tỏ hy vọng rằng những chiến thắng nêu trên sẽ mở ra con đường lớn hơn cho sự hội nhập của các nhà văn gốc Phi trên văn đàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.