Ngày 30/3, các thành viên Ủy ban bầu cử độc lập tối cao Iraq (IHEC) đã rút đơn xin từ chức, động thái giúp giải tỏa quan ngại về khả năng cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào cuối tháng Tư tới, có thể bị trì hoãn.
Kênh truyền hình nhà nước Iraqiya dẫn lời một ủy viên IHEC cho biết toàn bô chín thành viên của ủy ban này đã rút đơn xin từ chức sau khi hội đàm với các tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó có phái bộ Liên hợp quốc tại Baghdad.
Trước đó, ngày 25/3, các thành viên của IHEC đã đồng loạt đệ đơn từ chức lên Quốc hội nhằm phản đối sự can thiệp của giới chính trị và tư pháp. IHEC cho biết ủy ban này phải chịu nhiều áp lực do xung đột giữa các cơ quan lập pháp và tư pháp.
Họ bị mắc kẹt giữa các phán quyết trái ngược nhau của Quốc hội và các cơ quan tư pháp liên quan đến việc loại bỏ các ứng cử viên, bắt nguồn từ cách hiểu khác nhau về các quy định trong Luật bầu cử, trong đó có một điều khoản cấm tranh cử đối với các ứng cử viên bị "tiếng xấu."
Tương lai của cuộc bầu cử - vốn được kỳ vọng sẽ chấm dứt bế tắc chính trị hiện nay ở Iraq - vẫn tiếp tục bị bóng đen bạo lực bao phủ.
Ngày 30/3, đã có 16 binh sỹ và bảy dân thường thiệt mạng trong các vụ tấn công riêng rẽ xảy ra tại khu vực miền Bắc và Tây nước này.
Theo các nguồn tin an ninh, một nhóm tay súng đã tấn công một căn cứ quân sự tại khu vực Aiyn al-Jahash thuộc thành phố Mosul, miền Bắc Iraq, đã làm bảy binh sỹ thiệt mạng.
Trong khi đó, một kẻ đánh bom liều chết đã cho nổ tung một ôtô cài sẵn thuốc nổ trên chiếc cầu chính dẫn vào thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar, cách thủ đô Baghdad 100km về phía Tây.
Vụ tấn công đã làm bảy người chết và 11 người bị thương, đồng thời phá hủy nghiêm trọng cây cầu huyết mạch đối với giao thông thành phố này.
Một căn cứ quân sự tại tỉnh Anbar cũng bị các tay súng tấn công sáng cùng ngày làm chín binh sỹ thiệt mạng và 14 người bị thương./.